Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần làm rõ giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng NƠXH.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 657 dự án NƠXH được triển khai; số lượng căn hoàn thành chỉ đạt 15,6% mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Dù đã được chính phủ dành 120 nghìn tỷ đồng nhưng tiến độ giải ngân chậm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một trong những lý do khiến giải ngân chậm do thủ tục hành chính: Muốn làm dự án NƠXH, thủ tục hành chính kéo dài 1-2 năm mới xong.

Phiên thảo luận tại Tổ 13 sáng 21/5.

Phiên thảo luận tại Tổ 13 sáng 21/5.

Liên hệ thực tiễn vào dự thảo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo đã "đơn giản hóa" các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm thời gian các thủ tục còn tối đa 75 ngày. Như vậy, đã cắt giảm khoảng 200 ngày (tương ứng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành).

Về 3 chính sách mới so với kết luận của Bộ Chính trị và cần xin ý kiến cấp thẩm quyền như xác định giá bán, giá thuê NƠXH; điều kiện về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH; hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư NƠXH … Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình rõ.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nêu lên tính cấp bách của Nghị quyết và cho biết, trước khi về Tổ thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ rất mong muốn Nghị quyết này sớm được Quốc hội thông qua để tháo gỡ vướng mắc, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NƠXH.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

"Quốc hội cần tập trung tháo gỡ các rào cản pháp lý, thủ tục, tài chính, đất đai, vốn ưu đãi… Các giải pháp cần triển khai một cách đồng bộ với thời hạn cụ thể với sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban chỉ đạo Quốc gia. Nếu các chính sách trong Nghị quyết được thực hiện hiệu quả, sẽ tạo động lực mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu 100.000 căn NƠXH trong năm 2025, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về quy định chấp thuận chủ trương đầu tư, giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn ủng hộ nhưng đề nghị rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư, tránh cơ chế xin-cho đồng thời cần có cơ chế thanh tra, giám sát đảm bảo hiệu quả, thực hiện chính sách phòng chống lãng phí, tiêu cực.

Về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở, Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành việc cắt giảm thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian triển khai dự án. Tuy nhiên, cần làm rõ giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng NƠXH. Bổ sung quy định về cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành, tránh việc chất lượng NƠXH không đáp ứng yêu cầu quy định.

Về hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư NƠXH… Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ các trường hợp nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư.

"Đơn cử chủ đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê, không chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vậy Nhà nước có cần hoàn trả tiền sử dụng đất trong trường hợp này hay không?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, triển khai xây dựng NƠXH là nhiệm vụ rất cấp bách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Việc gì khó mà chúng ta nỗ lực tập trung thì đều thành công". Ông lấy ví dụ vừa qua Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân được thông qua rất nhanh chỉ sau 13 ngày kể từ kết luận của Bộ Chính trị.

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chu-tich-quoc-hoi-can-lam-ro-giai-phap-kiem-soat-de-dam-bao-chat-luong-nha-o-xa-hoi-169250521142809256.htm