Chủ tịch Quốc hội: Cân nhắc thẩm quyền quyết danh mục đàm phán giá thuốc

Về hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo đàm phán giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ban soạn thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi) cân nhắc Bộ trưởng Bộ Y tế hay cấp cao hơn có thẩm quyền quy định danh mục đàm phán giá thuốc.

Việc đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng này đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là khi nhiều người bệnh 'bức xúc' do thiếu thuốc tại một số bệnh viện thời gian qua. Mới đây, Thủ tướng đã phải chỉ đạo quyết liệt nhưng tình trạng khan hiếm thuốc vẫn diễn ra.

Do đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 20/9, bàn về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc đã đặc biệt nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Lựa chọn nhà thầu qua đàm phán giá

Khoản 2, điều 51 của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc có nêu: “Ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Chương II của luật này, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc được thực hiện theo hình thức đàm phán giá. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá”.

Về vấn đề này, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 20/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ban soạn thảo cân nhắc Bộ trưởng Bộ Y tế hay cấp cao hơn có thẩm quyền quy định danh mục đàm phán giá thuốc, bởi đàm phán giá là một trong những việc rất đặc trưng của ngành y tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: trang tin Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: trang tin Quốc hội

Bên cạnh đó, đóng góp ý kiến cho cơ quan soạn thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi) là Bộ Kế hoạch và đầu tư, đại diện Bộ Y tế - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, bất cập, vướng mắc liên quan đến Luật Đấu thầu về việc đàm phán giá là vừa phải thực hiện quy trình theo đúng thầu thông thường, vừa phải thêm một quy trình trong đàm phán nữa. Như vậy, vô hình trung sẽ kéo dài thời gian trong việc đàm phán giá.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, việc đấu thầu, đàm phán giá để lựa chọn đơn vị trúng thầu chỉ có một hoặc một số ít đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc, vật tư trong thời gian từ 1 đến 3 năm cho các cơ sở y tế trong nước.

Về mặt lâu dài, điều này có thể dẫn đến tình trạng sau một đợt đấu thầu tập trung đàm phán giá chỉ còn các đơn vị trúng thầu cung ứng hoặc sản xuất thuốc đó, các đơn vị không trúng thầu sẽ không nhập khẩu hoặc sản xuất nên có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, các đợt đấu thầu, đàm phán lần sau sẽ mất tính cạnh tranh do độc quyền.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc đấu thầu tập trung hiện nay quy định cam kết sử dụng tối thiểu 80% nhu cầu thuốc. Tuy nhiên, thực tế các cơ sở y tế rất khó có thể dự trù được chính xác nhu cầu sử dụng và cam kết sử dụng tối thiểu 80% thuốc đăng ký trước đó 1 đến 3 năm, nên khi không thực hiện được cam kết, cũng chưa có chế tài xử lý cơ sở y tế không mua đủ tối thiểu 80% số lượng trong hợp đồng đã ký, trong khi nhà cung cấp đã phải chuẩn bị đủ số lượng thuốc theo hợp đồng cung ứng.

Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Mặt khác, giải trình về trình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trách nhiệm của Bộ Y tế, ông Thuấn cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chủ quan và khách quan.

Cụ thể, Bộ Y tế khi đấu thầu tập trung phải mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp lại số liệu trên toàn quốc.

Nguyên nhân thứ hai là sau dịch Covid-19, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao (từ 40 đến 60%) nên dự tính, dự trù không sát, thấp hơn nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, trong quá trình dịch bệnh trên toàn thế giới, có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng; có tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu; một số đơn vị của Bộ Y tế quá tập trung vào công tác phòng, chống dịch, trong khi Trung tâm mua sắm tập trung ít người, thì việc lại nhiều hơn.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc vừa qua, Trung tâm mua sắm thuộc Bộ Y tế đã tập trung giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung; với thuốc biệt dược đã đàm phán được 19/65 thuốc, còn lại 46 thuốc dự kiến trong tháng 9 và 10 tới sẽ hoàn thiện.

Theo ông Thuấn, Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa thông tư, đặc biệt Thông tư 15, theo đó cũng phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới, đồng thời thu nhỏ danh mục, thay vì 106 thuốc thì tới đây chỉ tập trung vào vài chủng loại, còn lại có thể phân cấp cấp dưới.

Mua sắm thông qua các tổ chức y tế

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy An cho biết, thực tiễn những năm qua, một số loại hàng hóa liên quan đến y tế như vaccine, sinh phẩm, thuốc hoặc các sản phẩm chuyên biệt mà các cơ quan Liên hợp quốc có thể mua với mức giá thấp hơn (do đặt hàng số lượng lớn cho các nước trên thế giới) so với đấu thầu trong nước. Tuy nhiên, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do thiếu quy định của pháp luật.

Vì vậy, theo bà An, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hình thức mua sắm thông qua các cơ quan Liên hợp quốc vào dự thảo luật.

Bên cạnh đó, dịch vụ y tế đòi hỏi chất lượng và tính kịp thời, thuốc và trang thiết bị y tế nằm trong cơ cấu của dịch vụ y tế. Tuy nhiên, khác với các hàng hóa khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể dự trù chính xác nhu cầu sử dụng vì phụ thuộc tình hình bệnh tật, dịch bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khẳng định, việc tổ chức đấu thầu theo quy định của luật sẽ mất rất nhiều thời gian nên có thể xảy ra việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khi nhu cầu sử dụng thực tế vượt dự trù, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân và chất lượng của dịch vụ, điều này cũng cần phải được dự tính trong dự thảo luật.

Về vấn đề bà An đề cập, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật Đấu thầu hiện hành chưa có quy định việc mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị vật tư y tế thông qua các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức mua sắm quốc tế chuyên nghiệp có năng lực mua sắm đang được nhiều nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á đã và đang áp dụng cho thấy có hiệu quả kinh tế.

Cần lý giải vì sao giá đấu thầu thuốc năm sau phải thấp hơn năm trước

Thông tin thêm về những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu thuốc thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có quy định về mua sắm trong trường hợp đặc biệt, cấp bách nhưng quy định chưa cụ thể, đặc biệt đối với trường hợp nhà sản xuất yêu cầu phải ký hợp đồng với Chính phủ theo mẫu của nhà sản xuất mà không được sửa đổi, trong đó bao gồm các thỏa thuận mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc trái với quy định hiện hành của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Các văn bản hướng dẫn chưa quy định trình tự, thủ tục xây dựng phương án trình thẩm định, phê duyệt, mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 dẫn đến bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện, cần phải được cụ thể hóa để triển khai thống nhất trong thời gian tới.

Bộ Y tế đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng cho phép áp dụng các hình thức khác ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi có thể lựa chọn nhiều nhà trúng thầu để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Quy định nguyên tắc, quy trình tổng quát đối với hình thức đàm phán giá mở rộng cho các hàng hóa, dịch vụ khác ngoài thuốc. Bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản, các gói thầu xây lắp hàng hóa có quy mô nhỏ phải áp dụng loại bảo dưỡng gói.

Đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền, nội dung phê duyệt quyết định mua sắm, dự toán mua sắm theo nguồn vốn, loại hình hoạt động, tạo sự chủ động, giảm bớt thủ tục hành chính, phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư công, quản lý tài sản công, ngân sách, tự chủ tài chính.

Về đấu thầu tập trung, Bộ Y tế đề xuất bổ sung dự thảo luật cho phép đàm phán giá trực tiếp với nhà sản xuất, bỏ quyết định mua sắm, dự toán làm rõ là dự toán được giao hợp đồng trọn gói, bỏ quy định dưới 10 tỷ đồng phải áp dụng trọn gói, bổ sung thỏa thuận khung mở, ký hợp đồng với nhiều nhà thầu.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh tại dự thảo luật lần này đối với nguồn thu dịch vụ, như nguồn thu từ nhà thuốc bệnh viện, vaccine dịch vụ không do ngân sách nhà nước chi trả, Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán đáp ứng nhu cầu xã hội và người có điều kiện tự chi trả có quy định tại luật này không.

Hình thức mua sắm tập trung, đàm phán giá đã được dự thảo luật quy định là một hình thức mua sắm. Tuy nhiên, làm rõ mua sắm tập trung trước đây chỉ có đấu thầu rộng rãi, cần thêm hình thức khác như chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp trong trường hợp phòng, chống dịch và cả nước thiếu thuốc khi chưa kịp tổ chức mua sắm nhằm tháo gỡ cho đơn vị.

Danh mục mua sắm tập trung trùng với trường hợp chỉ định thầu trong phòng, chống dịch thì làm rõ có được chỉ định thầu đối với danh mục mua sắm tập trung hay không.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phải lý giải vì sao giá đấu thầu thuốc năm sau phải thấp hơn năm trước, nếu như vậy thì cuối cùng giá thuốc đấu thầu sẽ bằng 0. Ông cho rằng cần làm rõ nguyên nhân do luật hay do nghị định và thông tư.

Theo ông Huệ, việc đấu thầu thuốc phải xác định theo tinh thần "tiền nào của nấy", chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng phải được tăng lên, vì vậy, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn trong việc đấu thầu thuốc cũng cần phải có những quy định nghiêm túc và siết chặt hơn.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chu-tich-quoc-hoi-can-nhac-tham-quyen-quyet-danh-muc-dam-phan-gia-thuoc-1663758149714.htm