Chủ tịch Quốc hội: 'Có luật mới ban hành 1 năm đã phải sửa 2 lần'

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn thông tin theo thống kê của Bộ Tư pháp, có tới 32% số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong 5 năm gần đây đã phải sửa đổi, bổ sung trong vòng 2 năm sau khi có hiệu lực. 'Có những luật ban hành 6 tháng phải sửa, có những luật ban hành 1 năm phải sửa 2 lần', Chủ tịch Quốc hội nói.

Sáng 18/5, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Nhiều văn bản còn nặng tính mệnh lệnh hành chính

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66 và kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Chủ tịch Quốc hội dành thời gian điểm lại các kết quả quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật đạt được trong thời gian qua, góp phần tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong công tác này, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Trong đó, có thể kể đến, như một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chưa chú trọng đúng mức đến thúc đẩy phát triển, chưa tạo động lực đổi mới sáng tạo.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, quy định chi tiết "được làm gì, không được làm gì", thiếu linh hoạt, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thị trường và các mô hình kinh doanh mới. Chất lượng xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, có tới 32% số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong 5 năm gần đây đã phải sửa đổi, bổ sung trong vòng 2 năm sau khi có hiệu lực. "Có những luật ban hành 6 tháng phải sửa, có những luật ban hành 1 năm phải sửa 2 lần", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Bên cạnh đó công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu. Việc theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; việc thực thi pháp luật còn nhiều hình thức, chưa nghiêm minh, hiệu quả.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp tại 63 tỉnh, thành, có tới 65% người dân và doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm...

Từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết 66 chỉ rõ 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại; phải đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Một quan điểm nữa, cần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành pháp luật...

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bám sát yêu cầu và mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng đã đề ra.

Đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội...

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, Nghị quyết 66 xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển. Các quy định pháp luật cần ổn định, đơn giản, dễ hiểu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Đặc biệt, đối với các luật chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế, nghị quyết yêu cầu cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao...

Nghị quyết yêu cầu xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đồng thời kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế, giữ vững tính công bằng và linh hoạt của luật pháp.

Trường Phong - Lê Hồng Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-quoc-hoi-co-luat-moi-ban-hanh-1-nam-da-phai-sua-2-lan-post1743346.tpo