Nhật Bản kiên định mục tiêu cân bằng lợi ích, giữa làn sóng thuế quan

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt các rào cản thương mại, Nhật Bản thể hiện quan điểm kiên định trong các cuộc đàm phán song phương với Mỹ. Tokyo đang quyết tâm theo đuổi một thỏa thuận mang lại lợi ích cân bằng, nhất là khi ngành công nghiệp ô tô, 'xương sống' của nền kinh tế, đang chịu áp lực lớn từ chính sách thuế mới của Washington.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuyên bố sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Mỹ nếu Washington không dỡ bỏ mức thuế 25% đang áp dụng với ô tô nhập khẩu từ Nhật. Phát biểu cứng rắn này được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô, chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu và đóng góp vào mức thặng dư thương mại 63 tỷ USD của Nhật Bản với Mỹ, đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do chính sách bảo hộ mới của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng vào tháng 2/2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng vào tháng 2/2025

Theo đó, Tokyo đang thể hiện lập trường kiên quyết nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô vốn đóng vai trò "xương sống" trong nền kinh tế. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Ishiba, Bộ trưởng Kinh tế Ryosei Akazawa đang dẫn đầu phái đoàn đàm phán, với hai vòng thương lượng đã diễn ra và vòng thứ ba dự kiến được tổ chức trong tuần tới. Nhật Bản được cho là sẵn sàng nhượng bộ trong một số lĩnh vực như tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ hay mở rộng hợp tác công nghiệp đóng tàu. Tuy nhiên, Tokyo vẫn thận trọng nhằm trong việc mở cửa lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt khi cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra vào tháng 7 tới - thời điểm mà lá phiếu của cử tri nông thôn có thể mang tính quyết định.

Áp lực trong nước cũng đang gia tăng. Các tập đoàn lớn như Nissan đã lên tiếng thúc giục chính phủ đẩy nhanh tiến độ đàm phán. CEO Nissan, ông Ivan Espinosa kêu gọi cần có sự rõ ràng trong các quy tắc thương mại để doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn. Ông cảnh báo, sự bất định hiện tại đang làm chậm lại các quyết định đầu tư then chốt của doanh nghiệp Nhật.

Mặc dù Nhật Bản thể hiện lập trường cứng rắn, các chuyên gia đánh giá Tokyo không có nhiều lợi thế trong đàm phán, do phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh cũng như các cáo buộc liên quan đến thao túng tiền tệ. Washington có thể sẽ duy trì các mức thuế hiện hành nhằm tối đa hóa lợi ích ngắn hạn trong thương mại song phương.

Ngoài ra, kinh tế Nhật Bản vừa ghi nhận mức suy giảm 0,2% trong quý I/2025 - lần đầu tiên sau một năm tăng trưởng liên tục, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kỹ thuật. Sự sụt giảm chủ yếu đến từ thương mại bên ngoài khi xuất khẩu đình trệ, đầu tư kinh doanh chững lại và tiêu dùng cá nhân bị xói mòn do lạm phát kéo dài. Đây là những yếu tố khiến vị thế của Nhật Bản trong đàm phán càng trở nên mong manh.

Hai bên đã thống nhất tổ chức các cuộc đàm phán chuyên sâu từ giữa tháng 5 nhằm tìm ra giải pháp cho những bất đồng then chốt, trong đó tập trung vào các mức thuế với ô tô, thép và nhôm. Tuy vậy, Washington tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, bất chấp các đề xuất từ Nhật Bản về hợp tác kỹ thuật và thương mại.

Thủ tướng Ishiba tái khẳng định Nhật Bản sẽ không chấp nhận một mô hình tương tự như thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh, trong đó Mỹ vẫn giữ thuế suất cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu. Ông nhấn mạnh, Tokyo sẽ chỉ ký thỏa thuận nếu nó đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn các rào cản thuế quan.

Khi thời hạn tạm hoãn các mức thuế “đối ứng” sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 7 tới, áp lực đang gia tăng đối với cả hai bên để đạt được bước đột phá trong đàm phán. Tuy nhiên, với những khác biệt lớn trong quan điểm và lợi ích, giới quan sát nhận định triển vọng đạt được một thỏa thuận toàn diện giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn còn xa vời.

Quang Chiến

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nhat-ban-kien-dinh-muc-tieu-can-bang-loi-ich-giua-lan-song-thue-quan-317961.html