Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán Nhà nước cần có báo cáo tổng kết thực hành tiết kiệm
Kiểm toán Nhà nước hướng tới nền hành chính công lành mạnh, an toàn, bền vững, phòng chống tham nhũng và tiêu cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phát biểu tại buổi làm việc với Kiểm toán nhà nước vào chiều 12/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trọng tâm năm 2022 của Kiểm toán nhà nước là thực hiện việc báo cáo tổng kết liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn từ 2016-2021 trong các lĩnh vực như tài sản công, tài nguyên khoáng sản, đất đai.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là cuộc làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội sau khi kiện toàn bộ máy mới của Quốc hội, Chính phủ; điều này thể hiện, lãnh đạo Quốc hội, các Bộ, ngành coi trọng vai trò của Kiểm toán nhà nước, nhất là việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng tới nền hành chính công lành mạnh, an toàn, bền vững, phòng chống tham nhũng và tiêu cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đánh giá cao vai trò của Kiểm toán nhà nước thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ngành kiểm toán đã tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, vận dụng linh hoạt vào đặc thù của Việt Nam, vị trí và uy tín của kiểm toán được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; đồng thời là thành viên tiên phong trong việc hình thành Cơ quan kiểm toán tối cao khu vực châu Á (AISOSAI). Bên cạnh đó, chất lượng kiểm toán ngày càng tăng lên, xác lập địa vị ngày càng cao, là cơ quan kiểm tra tài sản công có trách nhiệm, uy tín.
“Bản thân kiểm toán muốn thực hiện tốt chức năng của mình, phải đứng một mình, độc lập, nhưng không được tự mình cô lập mà cũng không để đối lập với ai. Cho nên, ý thức xây dựng mới là quan trọng. Đơn vị người ta có thể có vấn đề sai phạm, nhưng nghệ tinh, tâm sáng thì vẫn xử lý các sai phạm, vẫn vừa tạo điều kiện để cho cái tốt phát triển và ngược lại nếu có tốt đến mấy, nhưng mà nghệ không tinh, tâm không sáng thì “bới bèo ra bọ”, không phát triển được. Cho nên tinh thần kiểm toán là đấu tranh những tiêu cực, nhưng cũng biểu dương những cái tốt, để nhân rộng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước cần xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm toán nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Sớm xây dựng, phân công kế hoạch triển khai chiến lược kiểm toán nhà nước đến năm 2030, đặt trong bối cảnh tổng thể thực hiện Nghị quyết lần thứ 13 của Đảng và các Nghị quyết có liên quan trong 5 năm tới đây, Nghị quyết 161 của Quốc hội.
Kiểm toán nhà nước rà soát, đánh giá tình hình triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, nhất là những nội dung liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán nhà nước; thực hiện cung cấp kết quả kiểm toán tới cả các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Theo chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kiểm toán nhà nước cần quan tâm sắp xếp kiện toàn bộ máy công chức, kiểm toán viên tinh gọn, chuyên nghiệp, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm toán viên đảm bảo độc lập trên thực tế; chú trọng phòng chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, xử lí nghiêm các vi phạm.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong kiểm toán, nhất là trong tình hình mới; tăng cường kiểm tra, đáng giá tổng hợp việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước, đánh giá sâu hơn nguyên nhân thực hiện các kết luận của kiểm toán nhà nước chưa triệt để, đảm bảo tính nghiêm minh trong kiểm toán nhà nước. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, công khai là sức mạnh lớn nhất của kiểm toán nhà nước, vì thế Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công khai công tác kiểm toán nhà nước bằng nhiều hình thức. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí nhằm lan tỏa những thông tin nhằm nâng cao vị thế, hiệu lực của kiểm toán nhà nước.
“Kiểm toán Nhà nước cần bám sát các nhiệm vụ thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Quốc hội, giúp Chính phủ trong công tác quản lý và điều hành, nhất là tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay để sau đại dịch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nếu vướng mắc ở cấp nào, cấp đó phải điều chỉnh. Trọng tâm của năm 2022 là những vấn đề liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như tài sản công, tài nguyên khoáng sản, đất đai. Tổng kiểm toán Nhà nước chỉ đạo thực hiện báo cáo tổng kết liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn từ 2016-2021”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, trong kiểm toán cần chú ý ba chính sách vĩ mô hết sức quan trọng là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán đảm bảo ưu tiên tối đa cho hoạt động phòng, chống dịch Covid - 19 theo đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động điều chỉnh giảm không thực hiện kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán thuộc ngành y tế, các đơn vị Công an, Quân đội đang tham gia phòng, chống dịch; hoạt động kiểm toán phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng và từng kiểm toán viên.
Qua 8 tháng đầu năm, Kiểm toán nhà nước đã kết thúc 91 Đoàn kiểm toán. Tổng hợp sơ bộ 8 tháng đầu năm, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 50.000 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 67 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước đã cung cấp 151 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tòa án, Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật./.