Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 9 ưu tiên trình Quốc hội về sắp xếp bộ máy

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp thứ 9 sẽ ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chiều 31/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 5/5 đến ngày 30/6, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật khác.

Đây là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội cũng sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung Kỳ họp, nhất là các dự án Luật được trình Quốc hội thông qua, các nghị quyết có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, khẩn trương triển khai công việc trên tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" nhằm bảo đảm chất lượng và thành công của kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Quốc hội sẽ họp theo 2 đợt: Đợt 1 là 20 ngày (từ 5/5 đến 28/5); đợt 2 là 15,5 ngày (từ 11/6); thời gian Quốc hội nghỉ giữa 2 đợt là 13 ngày.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo như đã thực hiện tại kỳ họp thứ 8 để dành thời gian cho Quốc hội thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình.

Ngoài ra, đề nghị không bố trí trình bày các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, chỉ bố trí thảo luận lồng ghép với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị truyền hình, phát thanh trực tiếp với phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, do khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp là rất lớn, vì vậy sẽ ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; những vấn đề điều chỉnh luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 1,5 ngày; bố trí 0,25 ngày thảo luận ở hội trường đối với một số dự án luật qua thực tế tại kỳ họp thứ 8 không có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu hoặc dự án có nội dung chính sách được xác định cụ thể, dự kiến không có nhiều vấn đề phức tạp.

Liên quan tới điều chỉnh thời gian xem xét thông qua đối với dự án, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa điều chỉnh từ cho ý kiến sang xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) sang cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (theo quy trình tại một kỳ họp). Điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sang kỳ họp thứ 10.

Rút 5 nội dung khỏi dự kiến chương trình kỳ họp gồm: Dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Cấp, thoát nước; dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan theo lĩnh vực phụ trách phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đối với các nội dung có liên quan nêu trên.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-ky-hop-thu-9-uu-tien-trinh-quoc-hoi-ve-sap-xep-bo-may-2386370.html