Chủ tịch Quốc hội: 'Ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách'

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.

Sáng 18-5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dành thời gian báo cáo về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 66.

Ông nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

 Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị. Ảnh: CTV

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị. Ảnh: CTV

213 luật, bộ luật; hàng ngàn nghị định và hàng vạn thông tư

Theo Chủ tịch Quốc hội, những năm qua, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Hệ thống pháp luật Việt Nam đã được hình thành tương đối đồng bộ, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tính đến nay, Quốc hội đã ban hành 213 luật, bộ luật đang có hiệu lực pháp luật; Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành hàng ngàn Nghị định, Quyết định; các Bộ, ngành đã ban hành hàng vạn Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

“Hệ thống pháp luật đã cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại” - ông Trần Thanh Mẫn nói, đồng thời khẳng định chất lượng văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên, công tác tổ chức thi hành pháp luật đã có những chuyển biến tích cực…

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn tồn tại không ít tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chưa chú trọng đúng mức đến thúc đẩy phát triển, chưa tạo động lực đổi mới sáng tạo.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, quy định chi tiết "được làm gì, không được làm gì", thiếu linh hoạt, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thị trường và các mô hình kinh doanh mới.

Cùng với việc chất lượng xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, ông Trần Thanh Mẫn đánh giá tình trạng quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, không rõ ràng chưa được khắc phục triệt để, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Việc phân cấp, phân quyền trong nhiều lĩnh vực chưa đủ mạnh, triệt để, thiếu rõ ràng về trách nhiệm và thẩm quyền; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…

Trong khi đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu; việc thực thi pháp luật còn nhiều hình thức, chưa nghiêm minh, hiệu quả.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Mẫn sau đó khái quát năm quan điểm chỉ đạo nêu tại Nghị quyết 66, trong đó, ông nhấn mạnh phải xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là ‘đột phá của đột phá’ trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước, phải thay đổi toàn diện cả tư duy và cách thức triển khai công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

“Phải tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách”- ông Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc tới yêu cầu xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, đặc biệt là “không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách, xây dựng các quy định của pháp luật”...

Kế đó, ông Trần Thanh Mẫn nêu bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, ông nhấn mạnh “kiên quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế, giữ vững tính công bằng và linh hoạt của luật pháp” và “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”.

Ông cũng cho hay, Nghị quyết 66 đặt ra cơ chế tài chính đặc biệt, đó là chi ngân sách cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Cùng với đó, thiết lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật minh bạch để khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.

Dứt khoát không để tình trạng ‘nói nhiều làm ít’

Chủ tịch Quốc hội thông tin sáng qua (17-5), cùng với Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách lớn nêu tại Nghị quyết 66.

Ông đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

“Dứt khoát không để tình trạng ‘nói nhiều làm ít’, ‘nói mà không làm’” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 Các đại biểu tham dự hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại đầu cầu Trung ương. Ảnh: CTV

Các đại biểu tham dự hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại đầu cầu Trung ương. Ảnh: CTV

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình.

“Đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hết sức lưu ý, không được để xảy ra tình trạng như thời điểm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-8-2023 là mới có 8/28 bộ trưởng tham gia chỉ đạo công tác này, số còn lại 20/28 bộ do thứ trưởng phụ trách” - ông Trần Thanh Mẫn nêu.

Ông cũng yêu cầu phải gắn với công tác đánh giá, khen thưởng, sử dụng cán bộ và có chế tài, biện pháp xử lý đối với người không thực hiện đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.

Theo ông, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có quy định việc này nhưng trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý vì lý do không thực hiện đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.

“Đây là vấn đề cần phải được rà soát, làm rõ nguyên nhân để khắc phục và thực hiện nghiêm” - ông Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan của Quốc hội (trừ các cơ quan “chuyên trách” về pháp luật như Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp…) phải cơ cấu ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật. Các cấp ủy địa phương quan tâm cần phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh.

“Có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương và làm việc ở bộ, ngành trung ương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Mẫn cho hay những nội dung này đều là vấn đề mới liên quan đến công tác cán bộ. Thời điểm hiện nay, chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau, ông đề nghị các cấp ủy Đảng hết sức lưu ý để sắp xếp, bố trí cán bộ, phân công nhiệm vụ, đưa chủ trương mới này vào cuộc sống.

“Thời gian không chờ đợi, chúng ta phải khẩn trương hành động, hoàn thành nhiệm vụ trước mắt là khắc phục ngay các vướng mắc pháp luật và lâu dài là xây dựng thể chế hiện đại, quy chuẩn”- Chủ tịch Quốc hội nói.

ĐỨC MINH

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-quoc-hoi-ngan-chan-moi-bieu-hien-truc-loi-huong-lai-chinh-sach-post850356.html