Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ

Chiều 17/6, tại UBND phường Ba Láng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri, nhân dân một số phường của quận Cái Răng, Cần Thơ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Cần Thơ đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ tại kỳ họp.

Tiếp theo, các cử tri đã nêu những ý kiến về việc tăng cường hơn nữa việc xử lý các hành vi tham nhũng, làm hàng giả, hàng nhái; cần có lộ trình phù hợp khi thực hiện Luật Giáo dục (sửa đổi); giá điện; đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Sau khi nghe các ý kiến của cử tri, ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng đã thông tin về một số nội dung mà cử tri quan tâm liên quan đến việc quy hoạch Trung tâm hành chính tập trung của thành phố Cần Thơ, quy hoạch khu văn hóa du lịch tại quận Cái Răng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ thêm về những kết quả trong 20 ngày làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về ý kiến của cử tri Phương Đạt Thanh, phường Ba Láng về vấn đề giáo dục hiện nay; trong đó có quy định giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm dạy học sinh cấp tiểu học. Cử tri đặt câu hỏi, vậy những giáo viên đã đi dạy hơn 10 năm rồi thì giải quyết như thế nào? Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Giáo dục (sửa đổi) được đông đảo người dân quan tâm.

Việc sửa đổi toàn diện luật là cơ sở pháp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực. Quy định liên quan đến nhà giáo, luật đã nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên đại học sư phạm…Những trường hợp giáo viên cần nâng chuẩn đào tạo sẽ được thực hiện theo lộ trình chuẩn hóa.

Cử tri Trương Đình Quý hoan nghênh về kết quả phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng trong kỳ họp vừa qua; việc Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về nội dung quy định cấm tuyệt đối hành vi uống rượu bia khi lái xe, theo Chủ tịch Quốc hội, trong các văn bản luật hiện hành như: Bộ Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường thủy nội địa đều có quy định liên quan.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 với quy định cấm tuyệt đối uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Quy định này mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, thể hiện quyết tâm trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông...

Cử tri Dương Đình Quý đánh giá hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, hiệu quả; đồng thời mong muốn Nhà nước đầu tư nhiều hơn để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu đường trong vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn cao hơn so với vùng khác do phải xử lý nền móng, đất đá phải chở từ nơi khác tới... Từ đó, theo Chủ tịch Quốc hội nếu không tính đặc thù của vùng mà tính định mức đầu tư như nơi khác thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chậm, khó thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến của cử tri về việc những dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng- Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) không nên chỉ định thầu, tránh thất thoát tiền bạc cho Nhà nước; đồng thời cho biết đây là vấn đề đã được đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều lần và yêu cầu nêu trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp.

Còn chất lượng công trình xây dựng cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và yêu cầu trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn đề cập tới chất lượng, hiệu quả công trình không chỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ trong lĩnh vực giao thông.

Trả lời ý kiến cử tri Dương Đình Quý, phường Lê Bình về giá điện, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá lại tác động của chính sách tăng giá điện đối với từng nhóm thu nhập (từ thu nhập thấp-trung bình-thu nhập cao), để điều chỉnh lại việc tính số tiền điện tương ứng cho phù hợp với từng nhóm; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ chính sách và gia đình nghèo. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến cử tri và đã chỉ đạo thanh tra, làm rõ, nếu chỗ nào thấy cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp trong điều hành giá điện...

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chia sẻ với ý kiến cử tri đề cập tới tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, cho biết vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội nêu lên nhiều lần trong các kỳ họp.

Kỳ họp thứ 7 trước thềm các mùa thi 2019, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu toàn ngành giáo dục và các địa phương phải chấn chỉnh, tổ chức thi theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân về tính khách quan, công bằng và minh bạch.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-tiep-xuc-cu-tri-tai-can-tho-20190617184741136.htm