Chủ tịch Quốc hội: Tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư, nghiên cứu khoa học

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Ngày 13.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST CĐSQG).

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng nghị quyết nhằm thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, ĐMST, CĐSQG để lĩnh vực này thực sự trở thành động lực nhằm hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở pháp lý để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả, thúc đẩy KHCN, ĐMST, CĐSQG; qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa KHCN, ĐMST, CĐSQG thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội 13 của Đảng đã đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy

Nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; bổ sung quy định về miễn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ).

Dự thảo cũng quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) Lê Quang Huy khẳng định: Thường trực Ủy ban KH-CN-MT tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, ĐMST, CĐSQG.

Việc thực hiện nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Qua nghiên cứu, rà soát, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT nhận thấy, các chính sách của dự thảo nghị quyết chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật, nghị quyết hiện hành. Do vậy, theo quy định tại khoản 2 điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm chính sách là có cơ sở pháp lý.

Thường trực Ủy ban KH-CN-MT nhận thấy việc ban hành các chính sách thí điểm trong dự thảo nghị quyết cần dựa trên một số nguyên tắc: Thể chế hóa những vấn đề cấp bách, được nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; đã chín, đã rõ, có tính khả thi, ít phải hướng dẫn để kịp thời triển khai; những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì sẽ được xem xét, đưa vào dự thảo Luật KHCN-ĐMST, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các dự thảo luật khác liên quan sẽ được sửa đổi trong năm 2025.

Ngoài ra, chính sách thí điểm cần vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế; có trọng tâm, trọng điểm; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ; chưa có luật điều chỉnh hoặc cần quy định khác với luật hiện hành; đúng thẩm quyền của Quốc hội; thời gian thí điểm rõ ràng, cụ thể.

Nghị quyết cần kịp thời tháo gỡ khó khăn khi chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ để hiểu đúng, tránh lạm dụng khi áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, cần làm rõ hơn về các cấp thực hiện, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề tài chính kế toán, năng lực đầu tư.

Một số ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; có chính sách vượt trội khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KHCN, ĐMST, CĐSQG. Lý do là hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân có nguồn lực và nhân lực tốt nhưng chưa được quan tâm đến tạo điều kiện thuận lợi về pháp chế, chính sách để thúc đẩy phát triển, ứng dụng KHCN, ĐMST, CĐSQG.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng nghị quyết cần kịp thời tháo gỡ khó khăn khi chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với luật hiện hành. Khi ban hành nghị quyết thì các cơ quan, bộ ngành cần quan tâm đến những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết 57 để triển khai sớm, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong hoạt động KHCN, ĐMST, CĐSQG.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề đã chín, rõ thì cần đưa vào thực hiện luôn nhằm khơi thông nguồn lực để góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các cơ quan, bộ ngành cần “đi tắt, đón đầu” để thực hiện các chính sách, đơn giản hóa các thủ tục trong thanh quyết toán cho các nhà khoa học thực hiện các đề tài khoa học; tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Trong thực hiện, cần có sự phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị triển khai.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-tich-quoc-hoi-tao-co-che-thong-thoang-thu-hut-dau-tu-nghien-cuu-khoa-hoc-229253.html