Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Sóc Trăng
Sáng 11-5, đoàn công tác của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc.
Khắc phục tình trạng chồng chéo, hướng mạnh hoạt động về cơ sở
Quyết định số 284-QĐ/TW ngày 12-4-2025 của Bộ Chính trị về việc phân công chỉ đạo các Đảng ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ và các Tỉnh ủy, Thành ủy: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang.
Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã báo cáo về công tác triển khai thực hiện: Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Kết luận số 150 ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn công tác nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: PHẠM THẮNG
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đoàn công tác tiến hành cuộc họp để nghe 3 địa phương báo cáo kết quả thực hiện, nêu rõ những việc đã làm, đang làm và chưa làm, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: PHẠM THẮNG
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao 3 Tỉnh ủy, Thành ủy đã chủ động, tích cực triển khai các công việc, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Các địa phương đã chủ động theo dõi, cập nhật chủ trương, định hướng, bám sát tiến độ, yêu cầu của cấp có thẩm quyền để chủ động triển khai thực hiện, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Quá trình xây dựng Đề án được các địa phương trong diện hợp nhất phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm tiến độ theo quy định; kịp thời chi trả theo chế độ, chính sách về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.
Nhấn mạnh đây là giai đoạn lịch sử để làm những công việc lịch sử, không được chủ quan, thỏa mãn, phải làm quyết liệt, tính từng giờ, từng phút, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, công tác quán triệt, tuyên truyền được tổ chức triển khai sâu rộng, nhất quán, giúp nâng cao nhận thức và thống nhất ý chí trong hệ thống chính trị; tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
“Quá trình sắp xếp và những kết quả bước đầu đã góp phần bảo đảm việc thực hiện thành công các mục tiêu: Hoàn thiện cơ bản tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành; tinh gọn bộ máy và tiết kiệm ngân sách. Đề án sắp xếp lại giúp cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể sẽ gần dân, sát dân hơn; khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: PHẠM THẮNG
Tuyệt đối tránh tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm trong sắp xếp cán bộ
Cơ bản nhất trí với đề xuất, kiến nghị được nêu trong các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu 3 địa phương quyết tâm cao nhất, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng các kết luận, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Lưu ý với các địa phương một số nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu theo Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị; có kế hoạch chi tiết, rà soát, phương án giải quyết số cán bộ cấp huyện (về tỉnh bao nhiêu, về xã bao nhiêu, xin nghỉ bao nhiêu), số cán bộ cấp tỉnh (về xã bao nhiêu, xin nghỉ bao nhiêu), số cán bộ cấp xã bị ảnh hưởng sau sắp xếp, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
“Các địa phương cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng tài sản công, trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính. Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tránh lãng phí. Thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, số hóa tài liệu… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công trước, trong và sau sắp xếp.
Các địa phương cũng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện đúng các mục tiêu đã đề ra; cân đối ngân sách, bố trí kinh phí, kịp thời thực hiện chi trả theo chế độ, chính sách về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.
Tuyệt đối tránh tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, phải công tâm, khách quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu nhân sự theo các quy định mới của Trung ương. Nhấn mạnh đây là việc hết sức quan trọng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải lựa chọn được người có đức, có tài, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu. Ảnh: PHẠM THẮNG
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết / Thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các địa phương trước và sau sắp xếp luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, để nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, quá trình sáp nhập là để mạnh hơn.
"Đây là sự nghiệp cách mạng quan trọng trong thời điểm hiện tại và tương lai của cả nước nói chung, của 3 địa phương nói riêng, mong các đồng chí đoàn kết, đồng lòng để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư" - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Nhấn mạnh tới vai trò của công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quá trình đối thoại với cán bộ, nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân và tham gia có trách nhiệm trong sắp xếp các đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.