New York Times: Mỹ phê duyệt chuyển 125 tên lửa tầm xa và 100 tên lửa Patriot cho Ukraine
Theo báo New York Times, Mỹ đã phê duyệt việc chuyển giao 125 tên lửa pháo binh tầm xa và 100 tên lửa phòng không Patriot từ Đức cho Ukraine.

Một hệ thống tên lửa MIM-104 Patriot do Đức vận hành phóng tên lửa đánh chặn trong cuộc tập trận Operation Red Arrow tại Hy Lạp, ngày 15/10/2008
Các loại vũ khí do Mỹ sản xuất không thể được xuất khẩu, kể cả bởi một quốc gia đang sở hữu chúng, nếu không có sự cho phép của Washington.
Theo báo New York Times hôm 10/5, một quan chức Quốc hội Mỹ ngày 9/5 thông báo rằng Washington đã bật đèn xanh cho Đức chuyển giao số vũ khí này cho Kiev. Lô vũ khí bao gồm 125 tên lửa pháo binh tầm xa và 100 tên lửa phòng không Patriot.
Hệ thống phòng không Patriot được công nhận rộng rãi nhờ khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn chính xác các mục tiêu trên không như máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Ukraine hiện chỉ có khoảng tám hệ thống Patriot, trong đó hai hệ thống đang không hoạt động. Một hệ thống Patriot khác đang trên đường đến Ukraine từ Israel theo một cam kết đã được thống nhất trước đó, New York Times đưa tin ngày 4/5.
Kiev hiện đang thiếu đạn dược cho các hệ thống Patriot, mặc dù chi tiết về kho tên lửa của họ không được tiết lộ vì lý do an ninh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và các đối tác quốc tế cung cấp thêm hệ thống Patriot và tên lửa đi kèm, trong bối cảnh các cuộc tấn công của Liên bang Nga nhằm vào các thành phố Ukraine đang gia tăng.
Việc sản xuất tên lửa Patriot rất tốn kém và phức tạp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Kyiv Independent ngày 6/5, chuyên gia hàng không Ukraine Kostiantyn Kryvolap cho biết cần ít nhất hai tên lửa Patriot để đánh chặn một tên lửa đạn đạo. Liên bang Nga đã gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào Ukraine, khiến tháng 4 vừa qua trở thành tháng có số dân thường Ukraine thiệt mạng nhiều nhất kể từ tháng 9/2024.
Đức trước đó đã hỗ trợ Ukraine về phòng không, bao gồm các tên lửa Patriot và hệ thống IRIS-T, trong các gói viện trợ quân sự.
Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã đến Kiev vào ngày 10/5 cùng với các lãnh đạo châu Âu khác, nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Đức và châu Âu đối với Ukraine và cam kết thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn.
Theo hãng tin AFP của Pháp, tại Kiev, ông Merz cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhiều nếu từ chối lệnh ngừng bắn 30 ngày mà phương Tây yêu cầu.
Trong cuộc phỏng vấn được nhật báo Bild đăng tải cùng ngày, Thủ tướng Merz phát biểu: "Nếu Tổng thống (Liên bang Nga) Vladimir Putin không đồng ý với lệnh ngừng bắn, các biện pháp trừng phạt sẽ gia tăng và việc hỗ trợ quy mô lớn cho Ukraine sẽ tiếp tục, đương nhiên là về mặt chính trị, nhưng cũng bao gồm cả tài chính và quân sự".