Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự thảo luận Tổ các dự luật về tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương
Sáng nay, 13.2, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Hậu Giang.
Trước đó, trong phiên họp chiều 12.2, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra của 2 dự án luật và dự thảo Nghị quyết này.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự thảo luận tổ các dự luật về tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51463657/dfb236c60688efd6b699.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự thảo luận tổ các dự luật về tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương
Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, làm cơ sở cho việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong các luật chuyên ngành.
Nội dung dự thảo Luật sửa đổi đã bám sát và thống nhất với các chính sách được đề xuất trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật kèm theo Tờ trình số 01/TTr-CP ngày 2.1.2025 của Chính phủ gồm: hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương; hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ; hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương.
Theo đó, dự luật gồm 5 chương, 32 điều, giảm 2 chương, 18 điều so với Luật hiện hành. Bố cục của dự thảo Luật được Ủy ban Pháp luật đánh giá là đã đáp ứng yêu cầu về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, theo đó, Luật chỉ quy định những nội dung cơ bản, quan trọng, có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội để bảo đảm tính ổn định lâu dài, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung.
Nội dung của dự thảo Luật cũng được cơ quan thẩm tra đánh giá là đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự thảo luận tổ các dự luật về tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51463657/31c9dfbdeff306ad5fe2.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự thảo luận tổ các dự luật về tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 50 điều, giảm 1 chương và 93 điều so với Luật hiện hành. Dự thảo Luật cũng có sự điều chỉnh về mặt bố cục để phù hợp hơn với trật tự quy định về nội dung liên quan đến chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013.
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; thể chế hóa kịp thời các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có phạm vi điều chỉnh là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước; bao quát đầy đủ các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Các vấn đề dự kiến được điều chỉnh phần nhiều đều là các nội dung có tính nguyên tắc, khái quát cao. Do tính chất rộng khắp và phức tạp của đợt sắp xếp này, trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát công việc, nhiệm vụ, dự liệu tối đa các vấn đề, tình huống có thể phát sinh để có phương án xử lý ngay trong Nghị quyết này hoặc chủ động, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao ngay sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước để bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp có thể đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, địa bàn, lĩnh vực; hạn chế đến mức thấp nhất các tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp và xã hội nói chung.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin về phiên họp...