Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Thảo luận tại tổ chiều 18.6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Làm rõ, khắc phục những chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu 3 vấn đề cần quan tâm đối với dự luật quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Trong đó, về tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Di sản văn hóa là bộ luật có phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, làm rõ và khắc phục các chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa với các luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.

Về quyền sở và các quyền liên quan tới di sản văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Di sản văn hóa hiện hành công nhận 5 hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu chung của cộng đồng; sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa. Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu di sản văn hóa.

Trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đã quy định các hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Như vậy, dự thảo Luật mới đã chuyển từ quy định “sở hữu nhà nước” thành “sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 4). Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng bởi dự thảo Luật vẫn chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.

"Trên thực tế có khả năng xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng khi có tranh chấp về sở hữu lại chưa có chế tài xử lý. Chế tài xử lý trong dự luật này chưa rõ”.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có) để bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời, phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quang cảnh thảo luẩn Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh thảo luẩn Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

"Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý thấu đáo, kỹ lưỡng để xác định quyền sở hữu, các quyền liên quan không bị trùng lắp, chồng chéo", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về khu vực bảo vệ của di tích, việc phân cấp trong việc cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội Tổ 13; đồng thời nêu rõ, Luật Di sản hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi lần này đều thống nhất về nguyên tắc, khu vực bảo vệ I của di tích là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật quy định khu vực bảo vệ I của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo Luật lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; đồng thời phân cấp phân quyền cho địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đối với dự án này ở các di tích được xếp hạng các cấp độ.

"Trên thì quy định chặt chẽ, dưới lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích thì phải xem xét lại cho kỹ. Ở đây cần phải có phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đã sinh sống trong khu vực di tích", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cần quy địnhcụ thể nguyên tắc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa

Quyền và trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa cũng là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm. Nêu các nội dung cụ thể tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật, ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) lưu ý, cần phải rà soát để sử dụng các từ, cụm từ cho phù hợp, thống nhất. Đại biểu cũng đề nghị, bổ sung thêm quy định cấm sử dụng những từ ngữ nhạy cảm, quảng bá các sản phẩm không đúng với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; giải thích cụm từ sản phẩm phái sinh từ di sản văn hóa để người đọc dễ hiểu hơn.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) phát biểu tại thảo luẩn Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) phát biểu tại thảo luẩn Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Đề cập cụ thể về quyền sở hữu của cá nhân đối với bảo vật quốc gia, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu rõ, theo Khoản 1 Điều 41: c) Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng ở trong nước theo quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 42 Luật này và pháp luật khác liên quan; không được kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 42 (b) Mua bán không theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh) Luật này và điểm a khoản 1 Điều 78 Luật này;

Bảo vật quốc gia phải được đăng ký chủ sở hữu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi thường trú và được cấp giấy chứng nhận. Khi chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia, tổ chức, cá nhân sở hữu bảo vật quốc gia phải thông báo bằng văn bản tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đã đăng ký về chủ sở hữu mới. Đại biểu đề nghị có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn đối với quy định này, bảo đảm quyền của công dân theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại thảo luẩn Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại thảo luẩn Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Tại Điều 84 dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, có trách nhiệm quản lý, xây dựng, vận hành, cập nhật, duy trì và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Ghi nhận đây là quy định mới nhưng đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng, có khả năng phát sinh về tổ chức, nhân sự… để thi hành.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động của chính sách, điều kiện, khả năng thực hiện; đồng thời nghiên cứu, quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, vận hành, cập nhật, duy trì và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa để bảo đảm tính khả thi, không phát sinh bộ máy mới.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-phat-huy-toi-da-vai-tro-cua-chu-so-huu-trong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-i376089/