Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phối hợp chặt chẽ, tập trung cao nhất chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội
Đó là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp chiều 1.8.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị cho cuộc làm việc; nội dung các báo cáo hết sức cô đọng, khái quát, thể hiện được khối lượng lớn công việc của từng cơ quan, đơn vị đã thực hiện trong thời gian qua cũng như những nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan đã hoàn thành 89/109 nội dung, nhiệm vụ, đạt 81,7%. Trong đó, Ủy ban Pháp luật đạt 12/12 nhiệm vụ, Ủy ban Tư pháp 7/7 nhiệm vụ và Viện Nghiên cứu lập pháp đạt 3/3 nhiệm vụ, bảo đảm hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao; Ủy ban Đối ngoại hoàn thành 9/11 nhiệm vụ, VPQH hoàn thành 10/12 nhiệm vụ. Và trong 156 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch 81 và Kế hoạch 734 đã hoàn thành 131 nhiệm vụ (đạt 83,97%), trong đó Ủy ban Pháp luật là nòng cốt giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, còn có những công việc chưa đạt được kết quả như mong muốn và kỳ vọng đặt ra, đã được nêu tương đối đầy đủ trong Báo cáo của các cơ quan. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số vấn đề cụ thể để các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng lưu ý trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Nêu rõ, trong thời gian tới, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan hữu quan tập trung cao nhất cho 3 kỳ họp thường kỳ còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó có Kỳ họp thứ Tám sắp tới; phối hợp tham mưu tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 6. Đẩy nhanh tiến độ các nội dung, đề án còn lại thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội và nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81 và Kế hoạch số 734 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật khẩn trương rà soát, tổng kết, phối hợp chuẩn bị để kịp thời bổ sung các dự án luật quan trọng: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND... Hoàn thành Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, gắn với việc đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu tổ chức Diễn đàn Pháp luật; tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội tổng kết thực hiện Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và đề xuất xây dựng Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.
Ủy ban Tư pháp tập trung chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự án Luật, 1 dự án Pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua; tham mưu xây dựng Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thể chế hóa quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Ghi nhận việc Ủy ban Đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới trong thực hiện đường lối, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, của Quốc hội, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, hoạt động của Ủy ban Đối ngoại cần “chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại”, việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài cần quan tâm đến vấn đề hiệu quả thiết thực, chất lượng, làm rõ đi làm gì, đi như thế nào và gặt hái được kết quả gì.
Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức nghiên cứu đề án, đề tài khoa học hữu ích, thiết thực, phục vụ trực tiếp các mặt công tác của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, quan tâm đến chiến lược thu hút, huy động, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đa dạng các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả; triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với tinh thần các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải gương mẫu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, sắp xếp công việc khoa học, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; giữ gìn môi trường và không gian làm việc “sáng - xanh - sạch - đẹp”, gọn gàng, ngăn nắp. Trên cơ sở quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan thực hiện "đúng vai thuộc bài"; duy trì kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh; tăng cường đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục đảng viên, cán bộ, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ, kỷ luật phát ngôn...
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sẽ cùng với Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách các cơ quan nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan; đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổng hợp đầy đủ, rà soát, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan, trong đó phải rõ thời gian, tiến độ hoàn thành và có người chịu trách nhiệm cụ thể.