Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ dự Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
Chiều nay, 22.1, Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) sẽ diễn ra tại TP. Cần Thơ. Đây là sự kiện quan trọng do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và APF. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị.
APF là tổ chức liên nghị viện quy tụ 91 nghị viện/cơ quan lập pháp các quốc gia và các vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp. Được thành lập vào tháng 5.1967 với mục tiêu đại diện ý chí và nguyện vọng của các dân tộc trong Cộng đồng Pháp ngữ bên cạnh các thể chế hành pháp của Cộng động, APF là cơ quan nghị viện tham vấn của Cộng đồng Pháp ngữ.
Mục tiêu của APF là góp phần lan tỏa ngôn ngữ tiếng Pháp; thúc đẩy dân chủ, Nhà nước pháp quyền và quyền con người, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ; trao đổi, thảo luận các vấn đề quan tâm, đặc biệt là những vấn đề về thời sự chính trị quốc tế và chuyển các kiến nghị, đề xuất phù hợp tới các cơ quan có thẩm quyền của Cộng đồng Pháp ngữ; thúc đẩy hợp tác và tăng cường tình đoàn kết trong Cộng đồng Pháp ngữ hướng tới phát triển bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế của nghị sĩ; góp phần phát triển và hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, hỗ trợ sự phát triển giáo dục và đào tạo bằng tiếng Pháp trên toàn thế giới.
APF hoạt động theo cơ chế: Đại hội đồng thường niên (tháng 7), Hội nghị Ban Chấp hành (cuối tháng 1); 4 Ủy ban gồm: Chính trị, Giáo dục và Văn hóa, Các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, các vấn đề nghị viện, 2 Mạng lưới: Nữ nghị sĩ, Nghị sĩ trẻ 4 khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là thành viên có vai trò chủ chốt của Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quốc hội Việt Nam chủ động và có trách nhiệm của APF thông qua những hoạt động tích cực và đăng cai một số Hội nghị cấp Ủy ban/Mạng lưới của APF, góp phần triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Về phía APF cũng đánh giá cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và APF tại khu vực.
Với những hoạt động tích cực trên kênh nghị viện, kể từ năm 1997, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF được các thành viên APF tín nhiệm cao, liên tục bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch APF. Kể từ năm 2015, để tạo sự bình đẳng đối với các Phân ban trong khu vực cũng như vai trò dẫn dắt hoạt động của Việt Nam, Phân ban Việt Nam đã chủ động đề xuất cơ chế luân phiên các vị trí chủ chốt trong khu vực. Việc tham gia các vị trí lãnh đạo của APF khẳng định vị thế và sự tín nhiệm mang tính "liên tục" của Cộng đồng Pháp ngữ đối với Việt Nam.
Ban Chấp hành APF nhiệm kỳ 2024 - 2026 gồm 33 thành viên, trong đó có 9 Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện; 3 Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện; là cơ chế điều hành của APF.
Hội nghị đầu năm là một trong hai cơ chế quan trọng nhất của APF (sau Đại hội đồng tháng 7), chú trọng các nội dung trao đổi thông qua việc thảo luận về tình hình thời sự trong Cộng đồng Pháp ngữ, xây dựng chương trình hoạt động trong năm của APF, thông qua ngân sách và các chương trình hợp tác liên nghị viện. Đây cũng là hoạt động đầu tiên của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ sau khi Cộng đồng Pháp ngữ tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 19 tại Paris, Pháp vào tháng 10.2024, góp phần triển khai các Nghị quyết, Chiến lược mới đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chủ động và tích cực đóng góp định hình các thể chế đa phương; góp phần triển khai các cam kết của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Paris, Pháp vào tháng 10.2024.
Triển khai cụ thể cam kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp vào tháng 10.2024 về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tầm khu vực và toàn cầu, tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn với bảo vệ môi trường của các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ.
Khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cùng với việc tổ chức các Hội nghị cấp Ủy ban, Mạng lưới của APF, việc đăng cai Hội nghị Ban Chấp hành APF khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và APF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay trước thềm Hội nghị Ban Chấp hành APF, Quốc hội Việt Nam đã có sáng kiến và phối hợp với các cơ quan tổ chức thành Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 120 đại biểu đến từ 70 quốc gia nói tiếng Pháp. Qua thảo luận, các đại biểu dự Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ Pháp ngữ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chung tay giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu.
Tuyên bố Cần Thơ cũng thống nhất đề nghị Ban Chấp hành APF xem xét thông qua một Nghị quyết về tăng cường hợp tác nghị viện Pháp ngữ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu trong không gian Pháp ngữ.