Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tăng cường phân cấp cho Chính phủ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần đổi mới cách thức xây dựng pháp luật của Quốc hội: đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn lại sẽ giao cho Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét.

Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tổ 13, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tổ 13, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Tăng cường phân cấp cho Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Cơ quan soạn thảo là Bộ Quốc phòng và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 này.

"Dự án Luật này cũng thể hiện tinh thần đổi mới cách thức xây dựng pháp luật của Quốc hội: đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn lại sẽ giao cho Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Năm 2025 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, để đầu năm 2026 tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, trong đó có quy định về tăng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan QĐND và quy định về cấp hàm, cấp tướng ở thời điểm này là hợp lý. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu chung đã tăng theo quy định của Bộ Luật Lao động. Tuổi nghỉ hưu với sĩ quan công an đã tăng theo quy định của Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Nhất trí với ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan QĐND là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt câu hỏi: "vấn đề là tăng bao nhiêu tuổi để kéo dài thời gian công tác đối với sĩ quan QĐND cho hợp lý bởi lao động trong lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng QĐND có tính đặc thù, không thể áp dụng như quy định tại Bộ luật Lao động. Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc thêm về vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bày tỏ tán thành phương án quy định về tuổi nghỉ hưu như dự thảo Luật, song Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vì là lao động đặc thù nên tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể thêm trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi, bảo đảm tính linh hoạt. “Việc này cũng ủy quyền cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định, không phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội. Chúng ta linh hoạt, ủy quyền, phân cấp cho Bộ Quốc phòng để trình Thủ tướng xem xét cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cách thiết kế như dự thảo Luật trình Quốc hội là hợp lý, thể hiện tinh thần tăng cường phân cấp cho Chính phủ. Đánh giá đây là những nội dung thay đổi cơ bản so với Luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội đồng thời lưu ý, tới đây, các tiêu chí cụ thể như thế nào thì Chính phủ, Bộ Quốc phòng phải làm rõ.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn dự phiên họp Tổ 13.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn dự phiên họp Tổ 13.

Xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam với những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; nhấn mạnh việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Bày tỏ nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, dự thảo Luật đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới như hệ thống chức vụ của sĩ quan, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, Về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn cũng như chế độ, chính sách đối với sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Tán thành với việc bổ sung chức vụ, chức danh đối với cấp phó của cấp trưởng và tương đương, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện hành quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó, nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn, chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với sĩ quan được bổ nhiệm chức vụ là cấp phó của cấp trưởng và tương đương.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định mức phụ cấp đặc thù đối với các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lực lượng làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cơ quan, đơn vị trong lực lượng quân đội, lực lượng dự bị động viên khi được huy động.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, Thông tư số 168/2021/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn, định lượng ăn và mức tiền ăn cơ bản bộ binh, quân chủng, binh chủng, bệnh nhân điều trị, học viên quân sự quốc tế; ăn thêm ngày lễ, tết, khi làm nhiệm vụ; chế độ an, bồi dưỡng hằng năm cho các đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quân đội cũng quy định rõ là những người được hưởng lương khi ăn tại bếp của quân đội phải nộp tiền ăn và tiền ăn này trừ từ tiền lương.

“Thực tế bây giờ có một số các em, các cháu mới học xong, ra trường ở các cấp bậc thấp nếu mà trừ tiền ăn đi thì lương chỉ còn độ khoảng 7 triệu rưỡi đến 8 triệu đồng/tháng, mức lương này cũng chỉ bằng mức lương của công nhân thôi, rất là thấp; trong khi điều kiện đào tạo bài bản, rèn luyện rất vất vả, nhiệm vụ thì khó khăn và quan trọng. Tôi thấy rằng chúng ta cần phải quan tâm và có quy định mức trợ cấp như thế nào để đảm bảo mức tiền ăn mà khi họ trực làm nhiệm vụ 24/24”, đại biểu Trần Thị Vân chia sẻ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định tại Điều 15, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung thêm quy định tại Khoản 1 đối với chức vụ, chức danh tương đương và chức vụ, chức danh có bậc quân hàm cao nhất là cấp tá.

Đối với trợ lý Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được mang quân hàm trung tá, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, "hiện nay hầu hết cán bộ này đều tốt nghiệp đại học, nếu quy định như trên các đồng chí khi nghỉ hưu vẫn đeo quân hàm thiếu tá là không phù hợp và tương thích với lực lượng công an có sự chênh lệch rất lớn, cảnh sát khu vực của lực lượng công an hiện nay có bằng đại học thì đeo quân hàm trung tá".

Theo đại biểu, việc bổ sung quy định trên nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với lực lượng cán bộ quân đội giữ các chức vụ là trợ lý được đeo quân hàm trung tá khi về hưu sẽ có mức lương hợp lý đủ trang trải cuộc sống. Đại biểu cũng đề nghị nâng tuổi của sĩ quan QĐND ngang bằng như lực lượng công an, vì cả hai đều là lực lượng vũ trang như nhau./.

Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 13:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ 13 điều hành nội dung phiên thảo luận.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ 13 điều hành nội dung phiên thảo luận.

Các Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nghiên cứu tài liệu.

Các Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nghiên cứu tài liệu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại phiên thảo luận.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ 13 kết luận nội dung phiên thảo luận.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ 13 kết luận nội dung phiên thảo luận.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90473