Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Các vấn đề lớn về tài chính đất đai phải được luật hóa
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cho thấy, so với dự thảo Luật ngày 6.4 thì dự thảo ngày 25.4 đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng; nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết hơn, sát thực tế hơn và có tính khả thi cao hơn; đồng thời, cũng từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Nội dung nào chưa tiếp thu được phải báo cáo tường minh
Với hồ sơ như thế này là đủ điều kiện để tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới, nhất là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất công phu, rất chất lượng, đề cập rất nhiều vấn đề từ quan điểm, nội dung lớn đến những vấn đề, điều khoản rất cụ thể để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến thêm. Trên cơ sở đó, tôi chỉ nêu thêm một số vấn đề chung để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật.
Thứ nhất, về thể chế hóa các quan điểm, nguyên tắc và nội dung Nghị quyết số 18 của Trung ương, phải tiếp tục rà soát để thể chế hóa một cách đầy đủ. Trong đó, một quan điểm rất quan trọng của Nghị quyết số 18 là "Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế". Tuy nhiên, đối chiếu quan điểm này với 47 Điều và 16 chương trong dự thảo Luật thì thấy việc thể chế hóa chủ trương này đang còn rất mờ nhạt.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo phối hợp cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, thiết kế thêm một số điều, thậm chí có chương riêng về vấn đề này. Điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai là thế nào? Trách nhiệm của các cấp, các ngành như thế nào? Xây dựng dữ liệu về đất đai thế nào? Lượng hóa là thế nào, hạch toán đầy đủ là như thế nào?... Đây là vấn đề lớn cần phải được thể chế hóa.
Cùng với đó, một số nội dung khác cũng phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn. Ví dụ như: cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai... Những nội dung này thì dự án Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết vấn đề gì, các luật liên quan giải quyết vấn đề gì để thể chế hóa cho đầy đủ vấn đề này?
Về một số điểm mới, tôi rất đồng tình với báo cáo thẩm tra, tức là có những điểm mới như: cho phép đơn vị sự nghiệp công được sử dụng quyền sử dụng đất dùng cho mục đích dịch vụ kinh doanh, hay những nội dung khác phát sinh trong thực tiễn nhưng chúng ta nghiên cứu thấy hợp lý, có thể tiếp thu được thì cần tổng hợp lại để tới đây báo cáo Bộ Chính trị. Còn nội dung nào góp ý mới nhưng như Ủy ban Kinh tế đã nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần kết luận là chưa thể tiếp thu ngay được, cần tiếp tục nghiên cứu thêm sau này hoặc có những vấn đề trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước thì không thể tiếp thu được hay chưa thể tiếp thu được thì chúng ta cũng báo cáo lại cho tường minh.
Thứ hai, vấn đề áp dụng pháp luật. Dự luật Đất đai (sửa đổi) theo báo cáo có liên quan đến hơn 100 luật, trực tiếp là khoảng 20 - 22 luật. Loại thứ nhất là các dự án luật chúng ta đang sửa như là dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)... Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phải rà soát để đảm bảo tính tương thích của các điều khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự luật đang trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới, không thể để tình trạng dự luật này quy định thế này, dự luật khác lại quy định khác.
Loại thứ hai là các dự luật còn lại thì giải quyết bằng cách nào? Hiện nay có 2 phương án. Phương án 1 là rà soát lại để đưa vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để sửa luôn, như ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật đề xuất. Phương án 2 là dùng một luật để sửa một số luật. Đề nghị nghiên cứu và cân nhắc thêm ý kiến của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, đằng nào chúng ta cũng phải sửa thì khi ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) mới có tính khả thi được. Phải cân đối giữa một bên là áp dụng phương án sửa tại luật này thì chỉ cần đầu tư về nội dung, còn quy trình, thủ tục thì không phải làm gì nữa; không phải lập hồ sơ xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật, đăng ký vào chương trình rồi lại tiếp tục thảo luận.
Đồng chí Phó Thủ tướng cũng trao đổi với tôi phương án chúng ta rà lại, có những luật như Luật Quy hoạch chỉ sửa từ ngữ thì có một điều là sửa thuật ngữ trong Luật Đất đai (sửa đổi) là xong. Về nội dung thì xem có nội dung gì khác nữa chúng ta sửa ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) được không? Như vậy sẽ đảm bảo tính khả thi, khi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành ra thì không phải chờ gì nữa, nếu không ban hành ra rồi mà các dự án luật khác chưa sửa thì cũng không vận hành được, lại để đấy. Nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đúng với quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật gốc là luật thế nào, những quy định khác, thời điểm ban hành trước và sau luật này... Đề nghị Ủy ban Pháp luật góp ý thêm chỗ này để có phương án xử lý phù hợp.
Thu tiền sử dụng đất hằng năm – “van khóa” thế nào để hài hòa lợi ích?
Thứ ba, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hiện vẫn có rất nhiều điều giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết hoặc thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trong đó có nội dung rất quan trọng là vấn đề tài chính đất đai, phương pháp, cách thức, trình tự, thủ tục tính giá đất.
Tôi đề nghị các đồng chí cố gắng 2 việc: Một là, không nên chỉ quyết định một câu như thế rồi giao cho Chính phủ hướng dẫn, vì đây là những vấn đề đại sự, người dân đang rất quan tâm, phải được luật hóa để người dân, doanh nghiệp còn biết. Nếu chỉ quy định một câu là việc này theo nguyên tắc thế này rồi sau đó Chính phủ quy định, lúc đó thẩm quyền hoàn toàn là của Chính phủ. Bây giờ nên quy định những gì trong Luật Đất đai (sửa đổi) thì Ủy ban Kinh tế đề nghị những vấn đề lớn nên đưa vào Luật còn lại mới giao Chính phủ hướng dẫn thì sẽ phù hợp hơn. Một số điều khoản khác cũng tương tự như thế.
Hai là, những vấn đề dự kiến Chính phủ hướng dẫn thì cũng phải có danh mục và dự kiến ban hành những văn bản nào, bao nhiêu nghị định, dự thảo của các nghị định này phải trình kèm theo hồ sơ dự án Luật, nhất là kỳ cuối cùng Quốc hội biểu quyết thông qua, tránh tình trạng khi luật được thông qua rồi nhưng vẫn không thực hiện được.
Dự kiến trong tháng 7 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc đầu tiên để triển khai thực hiện các luật và nghị quyết do Quốc hội ban hành từ đầu khóa cho đến nay. Sau này, cứ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội sẽ có hội nghị toàn quốc như vậy. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phải báo cáo, các cơ quan phải báo cáo xem kế hoạch triển khai như thế nào. Quốc hội rất nỗ lực để ban hành luật cho kịp, nhưng sau đó không vận hành được vì không có nghị định hướng dẫn, vẫn phải chờ là không được.
Kinh nghiệm của tôi là đang giai đoạn nóng sốt như thế này, mọi thứ đang nằm ở “bộ nhớ trong”, “bộ nhớ ngoài” thế này thì làm luôn, luật xong đó rồi bắt đầu lại liên hoan, tổng kết, đánh giá, rồi xả hơi, mọi thứ lại quên hết, bắt đầu khởi động lại quy trình làm nghị định, lại từ mới hoặc có khi đội ngũ khác tham gia không hiểu thế nào, rơi rụng mất đi. Thà chậm một chút còn hơn là xong luật rồi mà không vận hành được.
Thứ tư, hiện nay, người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến việc chuyển sang cơ chế tính tiền thu sử dụng đất hằng năm và điều chỉnh khi có biến động. Trong dự thảo Luật lần này đã thiết kế để khắc phục hạn chế của nội dung này, bởi vì vấn đề rất tốt nhưng đối với nhà đầu tư và người dân khi đầu tư thì phải có các thông số rất đầy đủ đầu vào, đầu ra để người ta quyết định dự án đầu tư và tính hiệu quả vòng đời của dự án. Việc điều chỉnh này có thể có năm biến động tăng, có năm biến động giảm, nhưng trong mức biến động như thế nào thì sẽ điều chỉnh.
Nhiều doanh nghiệp, người dân cũng mong muốn có một mức tối đa có được không, tức là điều chỉnh nhưng về nguyên tắc trong 5 năm không được vượt quá bao nhiêu đấy, nếu không nhiều dự án sẽ phá sản vì chi phí đầu vào người ta không lường hết được, chi phí đầu vào cao quá thì phải bổ sung vào chi phí về tài chính của doanh nghiệp, chi phí sử dụng đất, trong khi đầu ra vẫn thế thì lập tức thua lỗ. Doanh nghiệp thua lỗ, không hoạt động sẽ tác động ngược đến lợi ích của nền kinh tế, tác động đến thu ngân sách, bởi vì thu được chỗ này thì chỗ khác lại mất, không còn thuế thu nhập nữa thì thu vào đâu, thậm chí người ta thua lỗ kéo dài lại lâm vào tình trạng phá sản.
Hiện nay Chính phủ và cơ quan soạn thảo đã thiết kế một số điều về nội dung này, nhưng cần rà soát lại. Đây là mối quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, việc này liên quan đến chi phí của nền kinh tế chứ không phải chi phí đơn thuần của một doanh nghiệp. Giá tăng lên thì đền bù cũng tăng cao, điều chỉnh thế nào, biến thiên bao nhiêu thì điều chỉnh, tổng điều chỉnh tăng nếu có thì cả vòng đời dự án nên khống chế tối đa là bao nhiêu thì người ta mới có phương án khi quyết định đầu tư, tính điểm hòa vốn và dòng đời của dự án.
Nếu trả tiền một lần thì người ta hoàn toàn tính được, chủ động được nhưng nếu tính tiền hàng năm mà lại có điều chỉnh theo sự biến thiên của giá đất, giá thị trường thì “van khóa” thế nào và điều tiết như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và lợi ích cho nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn mà hiện nay qua các hội thảo chuyên ngành, qua nghe lắng nghe ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, kể cả người dân đầu tư kinh doanh thuê đất cũng rất quan tâm.