Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình
Sáng nay (20/1), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2021 - 2023).
Tham gia đoàn công tác có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương...Về phía địa phương có đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình.
Từ một tỉnh thuần nông, Thái Bình đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển toàn diện, vững chắc, đồng đều ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 8,18%. Đặc biệt năm 2023 đạt 7,37%, đứng thứ 7 vùng Đồng bằng sông Hồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng/người. Tổng thu NSNN hằng năm đạt kết quả tốt, nhất là thu nội địa có sự tăng trưởng bứt phá, đã đạt mốc 10.000 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư, nhất là FDI có sự tăng trưởng vượt bậc: Tổng vốn FDI giai đoạn 2021 - 2023 đạt trên 4,1 tỷ đồng, trong đó, năm 2023, vốn FDI đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn năm 2023 tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 99.000 tỷ đồng. Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành rõ nét, khẳng định được vai trò động lực phát triển của tỉnh, tạo niềm tin, sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Các dự án lớn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ như: Khu công nghiệp VSIP Thái Bình, Khu công nghiệp Hải Long, Nhà máy nhiệt điện LNG…
Công tác đầu tư công đạt kết quả tốt, tỷ lệ giải ngân luôn vượt chỉ tiêu, thuộc tốp đầu cả nước. Năm 2023 đạt 134,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 97,3% kế hoạch tỉnh phân bổ; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hằng năm tăng mạnh; kinh tế nông nghiệp luôn được xác định là trụ cột kinh tế của Tỉnh và phát triển khá toàn diện.
Chương trình xây dựng nông thôn mới có chiều sâu và thực chất. Thái Bình là một trong số ít tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,14%, hộ cận nghèo giảm còn 2,26%.
Nỗ lực vươn lên để Thái Bình gương mẫu về mọi mặt
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng với sự chuyển dịch kinh tế của Thái Bình; tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu lao động; có nhiều giải pháp thu hút nguồn lực; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, phát huy được tinh thần đoàn kết. Hoạt động của HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp nhiều ý kiến cho Quốc hội.
Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xác định trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình cần thực hiện đúng theo lời của Bác Hồ khi về thăm tỉnh vào năm 1967 đó là phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, trân trọng với những kết quả đã đạt được mà "không chủ quan và thỏa mãn, không nên cho như thế là đủ", phải nỗ lực vươn lên để làm cho Thái Bình gương mẫu về mọi mặt. Điều này cần được quán triệt trong toàn bộ đảng viên.
Tỉnh Thái Bình cần tiếp tục rà soát mọi chỉ tiêu của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, tỉnh để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt GRDP phấn đấu đạt chỉ tiêu 2 con số trở lên; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, xây dựng và tổ chức, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt.
Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, với không gian KTXH gồm một trung tâm - một hành lang kinh tế phía Đông - một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam và hướng về Hà Nội - một hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối từ các tỉnh Bắc Trung Bộ về Hải Phòng, Quảng Ninh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Thái Bình cần rà soát và có đề án duy tu, cải tạo, nâng cấp hệ thống đê biển, hạ tầng thủy lợi; tập trung xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cao, rà soát các trường nghề, phối hợp các tập đoàn đa quốc gia phục vụ cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về thể chế chính sách, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh cần chủ động, tránh tình trạng "bắc nước sôi, chờ gạo người": "Chúng tôi đề nghị tỉnh khẩn trương rà soát lại các luật mà vừa được Quốc hội ban hành, có nhiều nội dung giao cho cấp tỉnh như là Luật quản lý tài nguyên nước; Luật bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ phận pháp chế phải rà soát lại để làm. Cái gì tỉnh làm thì phải chủ động làm cho nhanh và góp ý với Trung ương để hoàn thiện. Chúng tôi đề nghị Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban nhân dân rà soát lại là từ nay cho đến kết thúc nhiệm kỳ cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới bao nhiêu nghị quyết; sớm trình ra thường vụ cấp ủy cho ý kiến. Tôi cũng đề nghị từ khóa sau, các đồng chí nên rà soát để có một kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cả một nhiệm kỳ 5 năm."
Tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sớm hoàn thiện đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; tăng cường công tác quản lý đất đai, rừng, biển; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, trên tinh thần thận trọng, kỹ lưỡng, không thu hút đầu tư về mọi giá, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ cao...
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh cần hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bên cạnh đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người, mọi nhà đón mừng năm mới, vui Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi.
Bày tỏ tin tưởng với những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo cùng thời cơ, vận hội mới, tiếp tục triển khai thắng lợi các nghị quyết của đảng bộ tỉnh góp phần đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phát triển tiếp phấn đấu xây dựng đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu. Năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực trong Đồng bằng sông Hồng xứng đáng là tỉnh gương mẫu về mọi mặt như mong muốn, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội chúc đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình thêm thái bình và thịnh vượng.
Bày tỏ ghi nhận và nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan xây dựng và trình phương án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ quyết định theo thẩm quyền, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển, "tỉnh mạnh thì Trung ương cũng mạnh".
Trước đó, trong sáng nay, nhân dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam; đến thăm, tặng 200 suất quà cho gia đình có công tại Huyện Thái Thụy và công nhân tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái.
Phát biểu tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái - mô hình điểm về phát triển bền vững với tổ hợp khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tỉnh Thái Bình từ quê hương của "Chị Hai năm tấn" nhưng đang chuyển đổi, có những bước phát triển nhanh về kinh tế, công nghiệp. Thái Bình đã thay đổi tư duy đó là vừa củng cố vai trò trụ đỡ của nông nghiệp, vừa phát huy các lợi thế của địa phương, nhất là sự lan tỏa của các trục phát triển rất mạnh Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận công tác quy hoạch và định hướng phát triển của Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã gắn công nghiệp hóa với đô thị hóa và dịch vụ và còn xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Đây là hình mẫu phát triển quan trọng được đặt trong tổng thể Khu Kinh tế Thái Bình với diện tích khoảng 30 nghìn ha.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Quản lý Khu công nghiệp Liên Thái Hà, Khu Kinh tế Thái Bình tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, định hướng, chiến lược phát triển, làm cho hoạt động của Khu công nghiệp, Khu Kinh tế thực sự khởi sắc góp phần tăng trưởng cho kinh tế địa phương, tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất; đồng thời chăm lo thực hiện tốt các chính sách dành cho công nhân, người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đến thăm dây truyền sản xuất, động viên công nhân Công ty OHSUNG VINA Thái Bình. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Lãnh đạo Công ty bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách cho công nhân, người lao động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để công nhân, lao động gắn bó, yên tâm làm việc, đóng góp cho sự phát triển của Công ty.