Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng
Sáng nay (29/9), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước 8 tháng đầu năm 2022 và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội từ sau kỳ họp thứ 3 đến nay.
Tại kỳ họp tới, Quốc hội xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật và xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri của huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng bày tỏ tin tưởng, phấn khởi trước thành tựu phát triển của đất nước; vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng đã lãnh đạo, chỉ đạo đất nước đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội có những quyết sách kịp thời, phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
"Làm gì có loại thuốc giảm giá mãi như thế"
Cử tri đề nghị Quốc hội có cơ chế định giá thuốc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh vì hiện nay, người khám chữa bệnh bảo hiểm không có thuốc, phải mua thuốc ngoài, rất tốn kém, nhất là với người nghèo. Trả lời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua, có nhiều lý do chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng này. Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo điều hành theo hướng phải đảm bảo nguồn cung, chất lượng và giá cả.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã giao cho Chính phủ có giải pháp kịp thời để tháo gỡ vướng mắc bất cập để triển khai đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Cũng đã triển khai cơ chế đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế.
"Hiện nay đang tiếp tục nỗ lực. Chính phủ, Quốc hội cũng đã chỉ đạo Bộ, ngành y tế rà soát lại các quy định của ngành y tế. Nếu quy định đấu thầu là cứ phải giá đấu lần sau thấp hơn giá lần trước thì chưa hẳn là đúng như thông tư của Bộ Y tế. Làm gì có loại thuốc giảm mãi như thế, mà còn tùy thuộc vào cung - cầu, chất lượng loại thuốc. Vậy phải điều chỉnh, sửa đổi. Mạnh dạn công khai, minh bạch trong vấn đề về quản lý giá thuốc. Về vĩ mô, trong sửa đổi Luật giá lần này, dự kiến đưa thuốc vào mặt hàng được Nhà nước định giá"-Chủ tịch Quốc hội nói.
Quan tâm đến công tác lập pháp, cử tri Phạm Hồng Điệp đề nghị cần cụ thể hóa các điều khoản trong luật để giảm các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn, giảm được thủ tục hành chính giúp cho các cơ quan công quyền dễ thực hiện, dễ điều hành, doanh nghiệp và người dân cũng tham chiếu dễ dàng hơn.
"Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nên có bộ phần mềm rà soát để có thể tích hợp được các điều luật của các bộ luật khác nhau nhằm giảm thủ tục hành chính hoặc không vướng mắc về từ ngữ" - cử tri nêu ý kiến.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong hệ thống pháp luật phải đảm bảo được cả về hình thức, nội dung. Về hình thức phải có tính thống nhất, đồng bộ, đầy đủ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi của hệ thống pháp luật. Nội dung sát hợp với thực tiễn, đảm bảo được nhu cầu kiến tạo, phát triển và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Quốc hội cũng có nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có cả sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát văn bản pháp luật. Mới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội trong giám sát việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định, các thông tư, các văn bản của các cơ quan, để làm sao cho hệ thống thực thi pháp luật được tốt hơn và cũng cần phải có đồng bộ các vấn đề về hệ thống pháp luật.
Nên chăng cần tăng lương cơ sở
Nêu ý kiến về tình trạng thiếu giáo viên, không đồng bộ về cơ cấu và câu chuyện về sách giáo khoa, cử tri Bùi Thế Hiệp đề nghị tránh tình trạng sách giáo khoa để cho các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự kê giá như hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong năm tới đây, Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát một chuyên đề rất quan trọng, đó là việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, trong đó có nội dung căn bản là vấn đề biên tập, xuất bản, in ấn, phát hành và sử dụng sách giáo khoa. "Tới đây sẽ làm rất quyết liệt" - ông Vương Đình Huệ nói.
Liên quan đến băn khoăn về việc lao động di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại, Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là điều bình thường. Nhưng khi lực lượng bác sĩ di chuyển ra khu vực tư đông thì cần phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập.
Chủ tịch Quốc hội thông tin, vừa qua, các cơ quan chức năng đã có chủ trương nâng mức phụ cấp cho cán bộ y tế. Năm 2023, Quốc hội sẽ có chuyên đề giám sát tối cao về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiếp tục đánh giá lĩnh vực này trong thời gian vừa qua, đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Về chính sách tiền lương nói chung, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tác động của dịch bệnh nên lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại; mức lương cơ sở cũng không tăng. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn về việc sớm quay trở lại thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì nên chăng cần tăng lương cơ sở. Nếu tình hình kinh tế thời gian tới khởi sắc thì ngân sách được tích lũy để thực hiện chính sách tiền lương./.