Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Xây dựng 'nền kinh tế xanh', phát triển đất nước hài hòa và bền vững
Phát biểu tại lễ phát động Tết trồng cây tỉnh Tuyên Quang sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023 tiếp tục là 'Tết trồng cây' được khởi nguồn từ Xuân Canh Tý tròn 63 năm trước theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; là sự cam kết của chúng ta thực hiện yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm xây dựng một 'nền kinh tế xanh', phát triển đất nước hài hòa và bền vững.
Sáng 30.1, tức mùng 9 tháng Giêng, tại thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ phát động thi đua và “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tổ chức.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Về phía tỉnh Tuyên Quang có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Chẩu Văn Lâm cùng lãnh đạo tỉnh...
Không ngừng đổi mới, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ trên quê hương cách mạng
Phát biểu tại buổi lễ, trong không khí hân hoan của những ngày đầu năm mới và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng tham dự lễ phát động thi đua và "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão 2023 tại quê hương cách mạng Tuyên Quang, Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.
"Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Về với xứ Tuyên trong lòng tôi như ngân vang tiếng gọi của lịch sử với những khao khát tương lai và hy vọng", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ và nhắc lại, gần 78 năm trước, trên mảnh đất này, ngày 16.8.1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam, được triệu tập, quyết định tương lai của đất nước, là sự tập dượt chuẩn bị cho sự khai sinh Quốc hội ngay những năm tháng tiếp theo. Khu ATK Tân Trào từng là địa bàn hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi chứng kiến sự kiện quan trọng như: Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Mặt trận Liên Việt (tháng 2.1953); nơi chuẩn bị cho tổ chức Kỳ họp Quốc hội Khóa I (từ ngày 1-4.12.1953); cùng với Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và là nơi quyết định cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Geneve…
"Càng cảm động, tự hào và rất ý nghĩa, khi cũng chính tại vùng đất ATK Việt Bắc, vào năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và cổ vũ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Suốt 75 năm qua, tinh thần ấy là động lực to lớn của phong trào thi đua yêu nước phát triển không ngừng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, dựng nên cơ đồ đất nước như hôm nay", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng ghi nhận, cùng với cả nước, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Tuyên Quang không ngừng đổi mới, sáng tạo, thiết thực và đạt được nhiều kết quả to lớn, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ. Năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai rất nghiêm trọng, nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,66%, đứng thứ 6 trong khu vực miền núi phía Bắc, thứ 32 trong cả nước; khai thác ngày càng hiệu quả tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch.
Đặc biệt, Tuyên Quang là tỉnh đi đầu cả nước về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chiếm 37,8%. Tuyên Quang đã thực hiện tốt quy hoạch phân 3 loại rừng; triển khai rất tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; trồng mới trên 11 nghìn ha hằng năm; hình thành vùng rừng nguyên liệu với gần 200 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%; duy trì hệ sinh thái đa dạng, bền vững, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen và tạo nguồn sinh thủy; chủ động phòng chống một cách hiệu quả lụt bão, hạn hán, sạt lở… cho vùng trung du Bắc Bộ.
Những năm gần đây, Tuyên Quang tiếp tục phát huy hiệu quả thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp; tạo cơ chế thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ gỗ rừng trồng, được thị trường trong nước và các thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ ưa chuộng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp bình quân đạt 9%/năm, đóng góp trên 4%/năm giá trị tăng trưởng GRDP của tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong phong trào thi đua yêu nước và công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Người trồng rừng phải sống được bằng rừng và giàu lên từ rừng
Bước sang năm 2023, cùng với những thuận lợi, thời cơ, dự báo sẽ có không ít khó khăn, thách thức phức tạp và khó lường. Để cùng với cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và sớm hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Tuyên Quang cần phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những thành quả đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, tạo sức lan tỏa cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc quyết tâm thực hiện toàn diện và trọn vẹn các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn nữa phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hợp lực của toàn dân thực hiện tốt các nghị quyết của Ðảng, nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 nhằm khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội với mục tiêu trung tâm là nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
“Từng ngành, từng địa phương, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị tiếp tục xác định và chỉ đạo chặt chẽ các phong trào thi đua với mục tiêu thi đua rõ ràng, nội dung phù hợp, biện pháp khả thi nhằm thu hút sâu rộng mọi tầng lớp, lứa tuổi, trải khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành nếp sống hằng ngày, trở thành nhu cầu bằng các lợi ích thiết thân; cổ vũ thực hành tiết kiệm, hăng hái phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cải cách hành chính; nhất là làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình hiệu quả; đổi mới công tác khen thưởng, tạo động lực nội sinh cổ vũ các tổ chức, mọi cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo vị trí và trách nhiệm của mình, thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 -11.6.2023).
Xuân Quý Mão 2023 tiếp tục là “Tết trồng cây” được khởi nguồn từ Xuân Canh Tý tròn 63 năm trước theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; là sự cam kết của chúng ta thực hiện yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm xây dựng một “nền kinh tế xanh”, phát triển đất nước hài hòa và bền vững.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan Trung ương, trước hết và trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
"Tất cả thực hiện cho được vấn đề cốt lõi nhất: Những người trồng rừng phải sống được bằng rừng và giàu lên từ rừng, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tuyên Quang là Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của cả vùng Trung du và miền núi Bắc Bộtheo yêu cầu tại Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng trung và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045", Chủ tịch Quốc hội nói.
Với khí thế mới, quyết tâm mới, cách làm mới, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023 của tỉnh nhất định đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, góp xây nước Việt rực rỡ xanh tươi, phát triển bền vững, như khát vọng thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Chủ tịch Quốc hội thân ái chúc Đảng bộ, Chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang năm mới, cố gắng mới, nhất định nhiều thắng lợi mới.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh trống phát động thi đua và Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Quý Mão 2023 tỉnh Tuyên Quang.
Trước đó, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã phát động phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với các nội dung trọng tâm như: tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị số 34 ngày 7.4.2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”; Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm (2021-2025); nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua - khen thưởng, làm cho việc tham gia các phong trào thi đua trở thành ý thức tự giác, thường xuyên, liên tục ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị và từng cá nhân. Thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trên 9,0%...
Cũng trong sáng nay, tại TP. Tuyên Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đã dự Lễ khởi công dự án Xây dựng trường THPT chuyên Tuyên Quang.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Tuyên Quang luôn coi phát triển giáo dục đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với sự quan tâm, phát triển giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn là một trong 4 nhiệm vụ đột phá giai đoạn 2021-2025. Dự án Trường THPT Tuyên Quang là một trong số những công trình trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; với mục tiêu xây dựng và phát triển trường thành cơ sở giáo dục có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; đảm bảo đầy đủ các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng học sinh có tố chất thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và của tỉnh Tuyên Quang. Dự án có tổng mức đầu tư 255,8 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 6 ha; quy mô 38 lớp, 1.330 học sinh, trong đó có khoảng 400 học sinh ở nội trú. Dự án được phê duyệt với đầy đủ các khối phòng học tập, phòng học bộ môn, khối hành chính quản trị, nhà đa năng, khu ở và bếp ăn cho học sinh nội trú và các hạng mục phụ trợ...