Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn 'chiêu hiền, đãi sĩ'

9 năm hoạt động, Hiệp hội Doanh nhân tiêu biểu Hồng Lam do ông Nguyễn Trường Sơn làm Chủ tịch Hội đã vinh dự được nhận 3 Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và 1 Bằng khen của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

9 năm, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn đã chi 3,4 tỷ cho hoạt động của Hội Hồng Lam. Ảnh TA

Năm thứ 2 (năm 2024) của nhiệm kỳ II (2023-2028) Hội doanh nhân tiêu biểu Hồng Lam thành phố Hà Nội (Hội Hồng Lam) đã có những nét hoạt động khởi sắc, hướng tới mục tiêu hiệu quả, lan tỏa. Nếu như ngày đầu (năm 2015), dù ra sức mời chào cũng chỉ quy tụ được 75 doanh nghiệp, chủ yếu các doanh nhân gốc Nghệ đứng đầu thì nay số lượng hội viên đã được phát triển cả về lượng và chất, lên đến gần 2.000 thành viên và đang tiếp tục tăng nhanh.

“Chiêu hiền, đãi sĩ”

Tính ra đến nay, sau 9 năm thành lập chi phí hoạt động của Hội Hồng Lam khoảng 3,6 tỷ đồng thì riêng Tập đoàn Bảo Sơn đã đóng góp 3,4 tỷ đồng. Không đơn thuần chi kinh phí, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn còn đóng vai trò quan trọng định hướng, chỉ đạo các hoạt động chung của Hội, có mặt tại các điểm nóng, giải quyết các công việc khó, mới.

“Trong mỗi con người Nghệ đều có 4 đặc điểm: Có lý tưởng trong tâm hồn; có sự trung kiên trong bản chất; có sự khắc khổ trong sinh hoạt; có sự cứng cỏi trong giao lưu” (GS. Vũ Ngọc Khánh), nhưng Chủ tịch Hội Nguyễn Trường Sơn chủ động mở rộng cánh cửa “chiêu hiền, đãi sĩ”. Điều này quyết định lớn đến sự thành công của Tập đoàn Bảo Sơn và quy tụ được nhiều người tài, các trí thức lớn, các doanh nhân tên tuổi tham gia Hội Hồng Lam.

GS.TS Viện sĩ Đinh Văn Nhã là người đang góp nhiều cho hoạt động của Hội Hồng Lam (ảnh HĐND Nghệ An)

GS.TS Viện sĩ Đinh Văn Nhã là người đang góp nhiều cho hoạt động của Hội Hồng Lam (ảnh HĐND Nghệ An)

Khách sạn Bảo Sơn luôn rộng cửa đón các văn tài 4 phương, cố nhạc sĩ An Thuyên, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Kỷ, nhà báo Hữu Ước, nhà báo Như Phong…đều từng nhiều lần ghé đây. Những chuyện nhân tình, thế thái, những dự án kinh doanh, sự kiện văn hóa, giáo dục… đã được ra đời bên mâm cơm cà, dưa, thịt của chủ nhà có tiếng hiếu khách. Ông Nguyễn Phương Túy, trợ lý cho Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn cho biết: Cho đến giờ cụ Nguyễn Trần Bạt (1946-2020) đã trở thành người thiên cổ nhưng tình bạn Nguyễn Trường Sơn-Nguyễn Trần Bạt vẫn được anh em Hội Hồng Lam thường xuyên nhắc đến, họ đúng nghĩa là tri kỷ, xưa nay hiếm.

Hai ông cùng quê (ông Nguyễn Trần Bạt người Hưng Nguyên), cùng thế hệ, đang lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã mạnh dạn ra ngoài bươn chải, nên sớm tìm thấy sự đồng cảm. Tuy người Nam, kẻ Bắc nhưng 2 ông luôn có mặt trong mọi buồn vui, biến cố của cuộc đời của nhau, đến với nhau như một lẽ tự nhiên trong cuộc đời “gió tầng nào, gặp mây từng ấy”. a Không rõ trong 11 tác phẩm lớn của doanh nhân Nguyễn Trần Bạt có bao nhiêu chiêm ngẫm từ quá trình kinh doanh của “ông bạn già Bảo Sơn” nhưng ông Nguyễn Trường Sơn rất thích đọc “Đối thoại với tương lai”, “Vượt qua những giới hạn” (2 tập), “Sức mạnh của cái đúng”, … của người bạn có tài kinh doanh lẫn tài viết lách này. Ngược lại, nhà sáng lập Công ty tư vấn InvestConsult Ltd cũng không tiếc thời gian bàn bạc, trao đổi với Chủ tịch Hội Hồng Lam về đường hướng phát triển của Hội và Tập đoàn Bảo Sơn.

Nói đến hoạt động của Hội Hồng Lam trong thời gian gần đây, không thể không nhắc đến Phó Chủ tịch GS.TS.NGUT Viện sĩ Đinh Văn Nhã quê ở Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu, một cộng sự đắc lực của Doanh nhân Nguyễn Trường Sơn. Sản phẩm khoa học công nghệ “Dây chuyền sản xuất Bia chất lượng cao” của ông được bầu chọn là “Sản phẩm Công nghiệp chủ lực của Thành phố Hà Nội 3 kỳ liên tiếp (2007- 2009; 2009 - 2011; 2011 - 2013)”. Ông là một trong ít những nhà khoa học Việt Nam hiếm hoi đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ và người có công lớn đưa công nghệ bia Việt Nam theo kịp và sánh ngang với nhiều nước trên thế giới.

Ngoài 70 tuổi, nhưng ông không bao giờ vắng mặt trong các hoạt động của Hội, thường xuyên đóng góp những ý kiến mang tính định hướng cho Ban Thường vụ Hội. “Thời điểm này, đầu tư và giáo dục đúng là “mạo hiểm” và “phi lợi nhuận”. Nhưng trong tôi có dòng máu Nghệ, nên muốn được đóng góp một chút công sức cho quê hương, thông qua Hội Lam Hồng kêu gọi các doanh nhân chung tay, chung sức cho quê nhà” GS.TS Viện sĩ Đinh Văn Nhã khẳng định.

Nhà báo Đô Thành có rất nhiều kinh nghiệp xây dựng thương hiệu, kinh nghiệm truyền thông cho các doanh nghiệp. Ảnh TA

Nhà báo Đô Thành có rất nhiều kinh nghiệp xây dựng thương hiệu, kinh nghiệm truyền thông cho các doanh nghiệp. Ảnh TA

Trọng tài năng trẻ

Cơ cấu các Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2023-2028 gồm: Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Cảnh Hồng, Đinh Văn Nhã và Trần Đô Thành thì nhà báo Đô Thành, công tác tại Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn là khuôn mặt đại diện cho thế hệ doanh nhân trẻ. Đi nhiều, quan hệ rộng, Phó Chủ tịch Hội Trần Đô Thành là sợi dây nối các doanh nhân trẻ với Hội, doanh nhân với doanh nhân, doanh nhân xứ Nghệ với các doanh nhân Hà Nội.

Đang công tác tại tạp chí của một Hiệp hội, nhà báo Đô Thành có rất nhiều kinh nghiệp xây dựng thương hiệu, kinh nghiệm truyền thông. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ này, các hoạt động chéo của Hiệp hội ngày càng dày hơn, hiệu quả hơn, kể cả kết nối với các hội nước ngoài làm ăn kinh tế.

An Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chu-tich-tap-doan-bao-son-chieu-hien-dai-si.html