Chủ tịch tập đoàn Samsung vừa qua đời: Nhìn lại sự nghiệp của người tạo dựng đế chế Samsung

Sau nhiều năm nằm trên giường bệnh và được giữ bí mật về tình trạng sức khỏe, cách đây ít giờ, công ty Samsung thông báo ông Lee Kun-hee đã qua đời.

ông Lee Kun-hee (ảnh: AP)

ông Lee Kun-hee (ảnh: AP)

Ông Lee Kun-hee đã xây dựng Samsung trở thành một gã khổng lồ công nghệ toàn cầu về điện thoại thông minh, tivi và chip máy tính. Ông cũng từng 2 lần bị kết án và 2 lần được ân xá. Ông qua đời vào ngày Chủ nhật tại Seoul, hưởng thọ 78 tuổi.

Samsung thông báo tin buồn nhưng không nêu rõ nguyên nhân. Ông Lee Kun-hee vốn đã mất khả năng lao động kể từ khi bị một cơn đau tim vào năm 2014.

Khi ông Lee Kun-hee nắm quyền lãnh đạo tập đoàn Samsung vào năm 1987 sau cái chết của người cha Lee Byung-chul, nhiều người phương Tây chỉ biết đến Samsung là công ty điện tử sản xuất tivi giá rẻ và lò vi sóng được bán ở cửa hàng giảm giá.

Ông Lee Kun-hee đã thúc đẩy công ty không ngừng vươn lên những nấc thang mới. Vào đầu những năm 1990 Samsung đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ. Sau đó Samsung tiếp tục thống trị việc sản xuất màn hình phẳng. Và rồi họ đã chinh phục thị trường thiết bị di động từ trung cấp đến cao cấp sau khi điện thoại thông minh trở thành thiết bị điện toán cá nhân mạnh mẽ vào những năm 2000.

Samsung Electronics ngày nay là nền tảng của nền kinh tế Hàn Quốc và là một trong những tập đoàn chi tiêu nhiều nhất trên thế giới cho nghiên cứu và phát triển.

Ông Lee Kun-hee đã giữ vai trò Chủ tịch tập đoàn Samsung từ năm 1987 đến 1998, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Samsung Electronics từ 1998 đến 2008 và sau đó là Chủ tịch Samsung Electronics từ năm 2010 đến khi ông qua đời. Ông là người giàu nhất Hàn Quốc.

Ông Lee và tập đoàn Samsung đã sử dụng một mạng lưới thỏa thuận quyền sở hữu để tạo ảnh hưởng lên các công ty khác dưới sự bảo trợ của Samsung. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ngay cả khi các giám đốc điều hành được trao nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn, ông Lee Kun-hee vẫn là nhà tư tưởng lớn của Samsung, nhà cung cấp định hướng chiến lược lớn.

Nhưng triều đại của ông cũng cho thấy mặt trái của xã hội khi những đế chế kinh doanh gia đình (thường gọi là chaebol) như Samsung bảo vệ ảnh hưởng của họ. Các chaebol là nguồn sống kinh tế cho đất nước khiến nhiều người Hàn Quốc tự hỏi liệu các chaebol có bắt đất nước của họ làm con tin hay không.

Năm 1996, ông Lee Kun-hee bị kết tội hối lộ Tổng thống nước này, sau đó được ân xá. Hơn một thập kỷ sau, ông bị kết tội trốn thuế nhưng được ân giảm lần nữa - lần này để ông có thể vận động hành lang nhằm đưa Thế vận hội mùa đông đến với thị trấn miền núi Pyeongchang vào năm 2018.

ông Lee Kun-hee và vợ Ra-Hee Hong tại lễ khai mạc Thế vận hội London năm 2012 (ảnh: CNN)

Ngay sau Thế vận hội Pyeongchang, ông Lee Myung-bak, Tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013, đã bị kết án 15 năm tù vì nhận hối lộ 5,4 triệu USD từ Samsung để đổi lấy việc ông Lee được ân xá.

Triết lý đưa Samsung trở thành đế chế công nghệ toàn cầu

Ông Lee Kun-hee sinh ra tại Daegu vào ngày 9 tháng 1 năm 1942, mẹ là Park Doo-eul và cha là Lee Byung-chul - những người đã thành lập Samsung vài năm trước đó với tư cách là nhà xuất khẩu trái cây và cá khô. Khi học trung học, ông Lee Kun-hee là một đô vật có tiếng ở trường.

Trong thời kỳ chiến tranh với Nhật Bản, Samsung đã phát triển bằng cách kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng chủ lực như đường và dệt may – những thứ nhu yếu phẩm cần thiết vào thời chiến. Sau đó, Samsung mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm, đóng tàu, xây dựng, chất bán dẫn và nhiều mặt hàng khác.

Ông Lee Kun-hee tốt nghiệp Đại học Waseda ở Tokyo vào năm 1965. Sau đó, ông học chương trình thạc sĩ tại Đại học George Washington nhưng không nhận được bằng.

Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Tongyang Broadcasting Company, một chi nhánh của Samsung vào thời điểm đó, vào năm 1966. Ông làm việc tại Samsung C&T, công ty xây dựng và kinh doanh của tập đoàn, trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung vào năm 1979.

Khi trở thành chủ tịch vào năm 1987, ông đã tiếp thu từ cha mình một định hướng về việc lập kế hoạch cho tương lai xa, ngay cả khi việc kinh doanh vào thời điểm đó đang khá tốt.

“Chúng tôi đang ở trong một quá trình chuyển đổi rất quan trọng”, ông Lee cho biết ngay sau khi nhận nhiệm vụ, trong một cuộc phỏng vấn với Forbes. “Nếu chúng tôi không chuyển sang các ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ hơn, thì sự sống còn của chúng tôi có thể bị đe dọa”.

Tính cấp tiến của quá trình chuyển đổi mà ông vạch ra đã được thể hiện rõ ràng khi ông triệu tập các giám đốc của Samsung Electronics đến một khách sạn sang trọng ở Frankfurt vào năm 1993. Trong nhiều ngày, ông thuyết giảng cho các giám đốc điều hành, thúc giục họ chôn vùi cách làm việc và suy nghĩ cũ. “Thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của các anh”, ông nói.

Theo ông, Samsung sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì tăng thị phần. Công ty sẽ thu hút nhân tài từ nước ngoài và đòi hỏi các giám đốc điều hành cấp cao phải hiểu sâu sắc về thị trường nước ngoài và sự cạnh tranh ở đó.

Chang Sea-jin, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét: “Điều đó rất giống cách ông Mao Trạch Đông cố gắng thay đổi tư duy của người Trung Quốc”.

Năm 1995, để nhấn mạnh vào chất lượng, ông Lee Kun-hee đã đến thăm một nhà máy của Samsung ở thị trấn Gumi sau khi một lô điện thoại di động bị phát hiện có lỗi.

Những gì xảy ra tiếp theo đã trở thành huyền thoại. Theo cuốn “Samsung Electronics và cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo của ngành công nghiệp điện tử” - một cuốn sách phát hành năm 2010 của Tony Michell, 2.000 công nhân của nhà máy Gumi đã tập trung tại một sân trong và buộc phải đeo băng đô có khẩu hiệu “Chất lượng là trên hết”. Ông Lee và ban giám đốc của mình ngồi dưới một biểu ngữ có nội dung “Chất lượng là niềm tự hào của tôi”.

Họ cùng nhau chứng kiến số điện thoại, máy fax và hàng tồn kho khác trị giá 50 triệu USD bị đập tan thành từng mảnh và đốt cháy. Các nhân viên đã khóc.

Thành tích kinh doanh của ông Lee không phải là không có sai lầm. Tin rằng thiết bị điện tử sẽ trở thành một phần không thể thiếu đối với ô tô, ông bắt đầu kinh doanh ô tô vào giữa những năm 1990. Nhưng Samsung Motors đã bị bán tháo vào năm 2000.

Samsung bước vào giai đoạn chinh phục toàn cầu vào những năm 2000, sử dụng các thiết bị hào nhoáng và cách tiếp thị bóng bẩy để gắn liền tên tuổi của mình vào tâm trí người tiêu dùng phương Tây. Tuy nhiên, ông Lee hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Đến năm 2007, ông đã xác định được cuộc khủng hoảng tiếp theo sắp xảy ra đối với Samsung. Trung Quốc đi lên trong lĩnh vực sản xuất cấp thấp, trong khi Nhật Bản và phương Tây vẫn dẫn đầu về công nghệ tiên tiến. Các công ty Hàn Quốc - bao gồm cả Samsung - bị kẹp giữa.

Nhưng khi ông Lee bắt đầu thực cải cách Samsung thì những cáo buộc đã nổi lên rằng ông đã trốn thuế hàng tỷ USD trong các tài khoản bí mật. Thay vì chống lại các cáo buộc, ông đã khiến Hàn Quốc choáng váng khi tuyên bố từ chức trên truyền hình trực tiếp.

“Tôi đã hứa cách đây 20 năm rằng ngày mà Samsung được công nhận là doanh nghiệp hạng nhất, thì vinh quang và thành quả đều là của bạn,” ông nói vào năm 2008 trước các nhân viên, giọng gần như thì thầm. "Tôi thực sự xin lỗi vì đã không thể giữ lời hứa đó".

Ông được ân xá vào năm sau đó và được bổ nhiệm lại làm chủ tịch của Samsung vào năm 2010.

Sau một cơn đau tim vào năm 2014, con trai ông và hiện là Phó Chủ tịch Samsung Electronics, Lee Jae-yong, đã trở thành gương mặt đại diện cho công ty.

“Chủ tịch Lee Kun-hee là một người có tầm nhìn xa trông rộng, người đã biến Samsung thành tập đoàn đổi mới và cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới từ một doanh nghiệp địa phương. Tất cả chúng tôi tại Samsung sẽ trân trọng ký ức với ông và biết ơn ông về hành trình mà ông đã tạo dựng”, thông cáo của Samsung viết.

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chu-tich-tap-doan-samsung-vua-qua-doi-nhin-lai-su-nghiep-cua-nguoi-tao-dung-de-che-samsung-post139632.html