Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ đạo ứng phó khẩn cấp 'siêu bão' số 3

Chiều 6/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khẩn cấp ứng phó với bão số 3.

Cây xanh gãy đổ làm sập nhà trên phố Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cây xanh gãy đổ làm sập nhà trên phố Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí Phó Chủ tịch thành phố chủ động xuống các đơn vị, địa bàn trọng điểm, các khu vực xung yếu để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai.

Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để kịp thời tham mưu, chỉ đạo điều hành và thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai trong đó tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…

Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt lưu ý đối với các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…

Đối với các công trường xây dựng, tiến hành kiểm tra, rà soát các công trường xây dựng trên địa bàn, đặc biệt lưu ý đến các công trình có thiết bị, vật tư dễ bị ảnh hưởng bởi gió bão như cần cẩu tháp, giàn giáo, và các thiết bị xây dựng có độ cao. Yêu cầu các công trường phải có phương án bảo đảm an toàn phòng, chống bão, người lao động phải được trang bị đầy đủ kiến thức và thiết bị bảo hộ. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công bố trí lực lượng ứng trực tại công trường, bảo đảm có người giám sát, theo dõi diễn biến thời tiết và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Các cần cẩu tháp phải được hạ thấp, gia cố, bảo đảm an toàn, không để xảy ra tình trạng đổ sập gây nguy hiểm cho người và tài sản chung quanh.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.

Đáng chú ý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ đạo xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.

MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-tich-thanh-pho-ha-noi-chi-dao-ung-pho-khan-cap-sieu-bao-so-3-post828990.html