Chủ tịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu 3 giám đốc sở xin lỗi dân

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai khi nói về vướng mắc trong hỗ trợ đối với hộ chăn nuôi đã khẳng định trách nhiệm của nhiều sở và của cả phía lãnh đạo tỉnh.

Ngày 18-12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo chương trình, có bốn giám đốc các Sở Y tế, NN&PTNT; TN&MT và GTVT đăng đàn trả lời chất vấn.

Giám đốc hai sở Tài chính (trái) và NN&PTNT trả lời chất vấn.

Giám đốc hai sở Tài chính (trái) và NN&PTNT trả lời chất vấn.

Đăng đàn đầu tiên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Quốc Việt cho biết việc thiếu vắc xin tiêm ngừa dịch vụ trong tám tháng đầu năm 2019 là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân việc thực hiện quy định về đấu thầu mua vắc xin quá khó khăn; nhu cầu tiêm ngừa vắc xin dịch vụ tăng cao đột biến, nhất là vắc xin phòng dại. Nguyên nhân nữa là do doanh nghiệp trúng thầu không đảm bảo có đủ vắc xin để cung ứng.

Giám đốc Sở Y tế cũng đã nhận trách nhiệm về ngành mình.

Ngoài việc tình trạng thiếu vắc xin, bệnh dại diễn biến phức tạp, phiên chất vấn đã thật sự “nóng” lên khi giám đốc hai sở Tài chính và NN&PTNT trả lời việc thực hiện Quyết định 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ (giai đoạn 2015-2020).

Cụ thể, quyết định này hỗ trợ bằng tiền dưới 10 triệu đồng cho các hộ nuôi gà vịt giống, từ dưới 20 đến 25 triệu đồng đối với hộ nuôi bò, trâu giống, và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường… Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2020.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết từ tháng 12-2017, Sở đã có công văn đề nghị địa phương xây dựng kế hoạch và gửi danh sách. Sau đó xác định các hộ chăn nuôi ở tỉnh được hỗ trợ hơn 21 tỉ đồng, trong đó 50% là ngân sách Trung ương.

Tháng 1-2018, do khó khăn về kinh phí, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ 100%. “Tuy nhiên, đến hiện nay Bộ Tài chính vẫn chưa có trả lời. Trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT do thiếu đeo bám”, ông Kiều thừa nhận.

Đồng tình với trả lời chất vấn này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hữu Ba cho biết ngoài thiếu đeo bám thì cả hai Sở không có báo cáo cho UBND tỉnh biết để xử lý. “Ngoài trách nhiệm của Sở Tài chính, NN&PTNT thì cũng có trách nhiệm của các huyện, thị, thành phố”, ông Ba nói.

Lập tức đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn. Đại biểu cho rằng quyết định của Thủ tướng áp dụng từ đầu năm 2015 thế nhưng đến năm 2018, UBND tỉnh mới có công văn đề nghị hỗ trợ. “Từ đó đến nay những hộ chăn nuôi đã chăn nuôi biết bao nhiêu lứa và thậm chí trong khi chờ hỗ trợ họ phải vay mượn trả lãi cao nhưng đến nay vẫn không thấy được hỗ trợ gì. Trách nhiệm này có phần lớn thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận”, ông Thiện truy.

Một số đại biểu tham gia chất vấn cũng khẳng định chính sách là rất tốt nhưng người dân chăn nuôi ở tỉnh lại bị thiệt thòi nhiều năm liền vì triển khai quá chậm, nhiều cử tri rất bức xúc.

Trả lời, cả hai giám đốc Sở NN&PTNT, Tài chính đều cho rằng do các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn chậm và đều hứa sẽ đeo bám, tạm ứng trước, cân đối ngay dự toán trong năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn

Chưa đồng tình với trả lời này, đại biểu Phạm Sơn đặt câu hỏi yêu cầu trả lời thẳng. “Tôi đề nghị nói là phải thực hiện, phải chắc chắn để chúng tôi còn biết trả lời bức xúc của cử tri. Ngoài việc chậm hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, các chính sách khác cũng triển khai rất chậm và chính điều này đã làm cho người dân của tỉnh bị thiệt thòi”.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lập tức đứng lên khẳng định trách nhiệm này thuộc về giám đốc ba sở NN&PTNT; Tài chính; KH&ĐT và cả chủ tịch UBND tỉnh.

“Giám đốc các Sở tôi vừa đề cập phải xin lỗi dân chứ đừng nói trách nhiệm chung chung. Không phải thiếu kinh phí mà các Sở quá thiếu trách nhiệm trong khi tỉnh ủy, ủy ban rất nhiều lần nhắc nhở.

Ba giám đốc các Sở trên phải chịu trách nhiệm, phải cân đối, giải ngân ngay hỗ trợ cho dân. Tiền lương của mình thì nhớ còn chính sách của dân lại không nhớ. Với trách nhiệm là chủ tịch UBND tỉnh, tôi xin tiếp thu những chất vấn của đại biểu”, ông Hai nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai trả lời.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai trả lời.

Kết luận về phần chất vấn này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết đã có tám đại biểu đặt câu hỏi. “Trong phần trả lời chất vấn, chủ tịch UBND tỉnh đã nhận trách nhiệm. Tại kỳ họp này có đại diện của Văn phòng Chính phủ, tôi đề nghị Văn phòng Chính phủ nên có tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải triển khai nhanh khi Thủ tướng ban hành các nghị định, quyết định bởi từ nghị định đến thông tư, hướng dẫn đều có độ trễ rất lớn.

Tôi cũng mong cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh có cuộc họp với Chính phủ vào ngày 30 và 31-12 sắp tới phải có ý kiến và đề nghị với Chính phủ việc này”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, quyết định của Thủ tướng đã sắp hết hiệu lực trong khi người dân chưa được hỗ trợ. Do đó cần phải khẩn trương triển khai để người dân không chịu thiệt thòi.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục với vấn đề TNGT và việc tách thửa đất nhưng khi nộp hồ sơ thì người không được giải quyết với lý do đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 52/2018/QĐ-UBND ngày 27-12-2018 của UBND tỉnh.

Có hơn 10 ý kiến của các đại biểu đều cho rằng đất nông nghiệp của rất nhiều người dân được canh tác từ đời cha ông để lại, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm lâu và mục đích đất trồng cây hàng năm, không phải nguồn gốc đất được Nhà nước giao. Khi con cái trong gia đình lớn lên và lập gia đình, họ muốn tách thửa đất ra cho con nhưng không được.

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho biết rất nhiều cử tri phản ánh đất nông nghiệp là tài sản cả đời của họ, đất họ có trước, quy hoạch là do Nhà nước làm có sau đất của họ. Tại sao việc tách thửa phải quy định phù hợp quy hoạch, trong khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định việc tách thửa phải phù hợp quy hoạch, chỉ quy định diện tích tối thiểu để tách thửa là giao UBND tỉnh quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương?.

Quang cảnh kỳ họp

Quang cảnh kỳ họp

“Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Quy định này không có nghĩa là địa phương tùy tiện đưa vào văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nội dung: Phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà chỉ được quy định cụ thể diện tích tối thiểu của từng loại đất được tách thửa tùy theo tình hình cụ thể của địa phương. Do đó cần phải sửa đổi”, ông Thiện nói.

Đại biểu Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, cũng cho rằng quy định trên đã diễn ra nhiều vướng mắc khi tòa án xét xử những vụ việc thừa kế nên cần thiết phải sửa đổi.

Kết luận phần này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tọa kỳ họp cho biết các ý kiến của đại biểu cho thấy thực tiễn áp dụng chưa phù hợp với thực tế. “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT tham mưu, sửa đổi, bổ sung ngay những bất hợp lý nếu có của quyết định trên. Sở Xây dựng cần phối hợp với các sở liên quan và các địa phương thẩm định chặt chẽ các trường hợp tách thửa, phân lô bán nền, sang nhượng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ tiếp tay cho tình trạng này”, ông Hùng nói.

Theo chương trình, kỳ họp thứ 9 đến chiều 19-12 sẽ bế mạc. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo giám sát của các Ban của HĐND tỉnh, báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền địa phương. Sau đó, các đại biêủtập trung thảo luận, đánh giá mặt tích cực, mặt còn hạn chế, nguyên nhân tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2019. Từ đó bàn và quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2020.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chu-tich-tinh-binh-thuan-yeu-cau-3-giam-doc-so-xin-loi-dan-878469.html