Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta. Đồng chí đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Truyền thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều… đã in sâu trong tâm hồn đồng chí Tôn Đức Thắng, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao.

Đồng chí Phạm Hùng đón Ðoàn đại biểu Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu vào Sài Gòn dự Lễ mừng chiến thắng sáng 13/5/1975, tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tư liệu.

Đồng chí Phạm Hùng đón Ðoàn đại biểu Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu vào Sài Gòn dự Lễ mừng chiến thắng sáng 13/5/1975, tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tư liệu.

Là người thanh niên có học thức của một gia đình trung nông, đồng chí Tôn Đức Thắng quyết định học làm thợ ở trường Bá Nghệ Sài Gòn và trở thành công nhân. Hoạt động cách mạng ban đầu của đồng chí là tập hợp thanh niên, hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí chống áp bức, bất công. Khi đứng trong hàng ngũ giai cấp công nhân Pháp, đồng chí trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc phản chiến ở Biển Đen, góp phần bảo vệ Nhà nước Xô Viết non trẻ vừa hình thành sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Khi trở về nước, đồng chí tổ chức Công hội bí mật ở Sài Gòn - Chợ Lớn và được cử làm Hội trưởng.

Tháng 7/1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và giam cầm ở khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai. Đầu tháng 7/1930, đồng chí bị đày ra Côn Đảo - “địa ngục trần gian” với bao cực hình dã man của chế độ nhà tù thực dân, nhưng không lay chuyển được ý chí kiên trung, bất khuất, một lòng giữ trọn niềm tin vào cách mạng của người cộng sản. Cũng chính tại nơi “địa ngục trần gian” này, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Côn Đảo và tích cực đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về, vừa đặt chân lên đất liền, đồng chí đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đầu năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được điều động ra Hà Nội, đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Trung ương vận động thi đua ái quốc, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Tháng 1/1948, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II, tháng 7/1960, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị. Hơn 30 năm liên tục trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng, mở rộng, phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng và đặc biệt xuất sắc trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí đã có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, được Đảng, Nhà nước ta trao tặng Huân chương Đại đoàn kết.

Với công lao, đóng góp to lớn, tháng 12/1955, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng vinh dự được Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin của Liên Xô trao tặng Giải thưởng Stalin "Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc"; Ðoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và huân chương hữu nghị của nhiều quốc gia.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của hải quân Pháp ở Biển Đen, kéo lá cờ đỏ trên một chiến hạm Pháp (tháng 4/1919), ủng hộ nước Nga (Xô Viết) - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, chống sự can thiệp vũ trang của bọn đế quốc đối với Nhà nước Xô Viết non trẻ. Với những việc đó, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trở thành một gạch nối của Cách mạng Nga với Cách mạng Việt Nam, nối liền Cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

Trên 60 năm hoạt động cách mạng, với nhiều cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung, được bạn bè thế giới ghi nhận và tôn vinh. Đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô. Trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn chăm lo đến tình đoàn kết quốc tế, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân ta với bầu bạn trên thế giới. Trong các hoạt động của mình, đồng chí luôn tranh thủ mọi điều kiện, mọi thời điểm lịch sử để giúp nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy rõ bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời bày tỏ khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân thế giới giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với công lao, đóng góp to lớn cho phong trào hòa bình thế giới, đồng chí vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin của Liên Xô trao tặng Giải thưởng Stalin “Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc” vào tháng 12/1955 (sau này mang tên là Giải thưởng Lênin); được Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lê-nin nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và huân chương hữu nghị của nhiều nước.

PV (T/h)

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chu-tich-ton-duc-thang-nha-lanh-dao-mau-muc-nguoi-cong-san-kien-trung-3171404.html