Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang nói về kiểm toán tài chính công đoàn

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, tài chính công đoàn được Kiểm toán nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm/lần trên cơ sở kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn sửa đổi sáng 18-6, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết đã có một báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội nội dung về tài chính công đoàn.

Chịu sự thanh tra, giám sát của nhiều cơ quan

Về kinh phí công đoàn, ông Khang cho biết đa phần các đại biểu Quốc hội đồng tình cho việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, cho người lao động trực tiếp dưới cơ sở.

 Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về quản lý tài chính, ngay sau khi ban hành Luật Công đoàn 2012, Chính phủ có Nghị định 191 quy định rất cụ thể về tài chính công đoàn, về từng danh mục các khoản chi của tài chính công đoàn.

“Chúng tôi cũng thực hiện đúng các quy định về chế độ dự toán giống như các quy định đối với các cơ quan ở trung ương khác, ví dụ khoán chi phí hành chính, chi hành chính như thế nào, 100% chúng tôi thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách và các luật tài chính khác” – ông Khang nói.

Về vấn đề công khai tài chính, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thông tin đã thực hiện theo đúng các quy định. Ở cấp nào thì công khai ở phiên họp Ban chấp hành của 6 tháng đầu năm sau của năm liền kề.

Tài chính công đoàn được Kiểm toán nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm/lần trên cơ sở kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua. Kết quả kiểm toán cũng được báo cáo Quốc hội và tổng hợp chung vào báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra Liên đoàn Lao động cũng chịu sự thanh tra, giám sát của tất cả các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính… và đều chịu sự giám sát của các cơ quan có liên quan.

“Quy định trong luật này là để thể chế hóa cho nó rõ tình hình công khai tài chính công đoàn” – ông Khang khẳng định.

 Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Công đoàn cơ sở như một cậu bé tí hon, khoác cái áo quá lớn

Nêu ý kiến trước đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận quyền, trách nhiệm của công đoàn trong dự thảo luật quy định tương đối đầy đủ nhưng quan trọng hơn ở đây là cần cho công đoàn một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm đó.

Thực tế cho thấy hoạt động của công đoàn cơ sở thời gian vừa qua còn rất nhiều lúng túng, kém hiệu quả; vị thế, tiếng nói công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện bảo vệ của công đoàn cơ sở vẫn là khâu yếu.

“Thực tế công đoàn cơ sở được ví như một cậu bé tí hon nhưng đang phải khoác trên mình một cái áo quá lớn, lúng túng và bất lực. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động. Điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động” – ông Thường nêu.

Từ đó, ông đề nghị cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động, trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu.

Về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, đại biểu đoàn TP Hà Nội đề nghị cụ thể hóa mức hỗ trợ hàng tháng trong thời gian gián đoạn việc làm đối với cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.

Đáng chú ý, khi sa thải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có ý kiến bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thay vì của công đoàn cơ sở.

“Điều này sẽ chặt chẽ và phù hợp hơn” – ông nói và cho rằng nếu chỉ quy định có ý kiến bằng văn bản công đoàn cơ sở thì rất dễ công đoàn cơ sở bị thao túng, gây sức ép để hợp lý hóa việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn cơ sở của người sử dụng lao động.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-tong-lien-doan-lao-dong-nguyen-dinh-khang-noi-ve-kiem-toan-tai-chinh-cong-doan-post796243.html