Chủ tịch Tp.Hà Nội: Sẽ có 'chính sách riêng'để lương 7 triệu có thể mua nhà
Nhà ở cho công nhân còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của người lao động.
Thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh với công nhân lao động Thủ đô chiều 18/5, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.Hà Nội cho biết, Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động.
Năm 2022, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân tiếp tục gặp những khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản;
Tình hình quan hệ lao động, thị trường lao động và đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng rất lớn; đã có hàng chục nghìn người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, thu nhập giảm sút; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, thanh toán chế độ một lần BHXH trên địa bàn thành phố tăng nhanh.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thành phố và sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, người lao động và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; tình hình phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 đã có nhiều khởi sắc; đời sống, việc làm của công nhân lao động dần đi vào ổn định.
Năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn Thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động ở các Khu công nghiệp và chế xuất.
Ông Lê Đình Hùng phản ánh: “Vấn đề nhà ở cho công nhân còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của người lao động. Người lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp”.
Về vấn đề việc làm, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2022,tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trở lại, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ… Việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm.
Đối với các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh thì “gồng lỗ” để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng, công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích “ứng” ngày nghỉ phép của năm sau (2023).
Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc dài ngày, hưởng lương ngừng việc. Dẫn đến một số người lao động mất thu nhập, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động.
Thực hiện kế hoạch của thành phố về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đến nay Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm, tăng 44% so với năm 2021 (riêng trong quý 1/2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho 44.573 lao động, đạt 27,5% kế hoạch giao trong năm).
Để công nhân tiếp cận được nhà ở xã hội
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyoei Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu về nhà ở của người lao động rất cao, nhưng với mức lương, mức thu nhập của người lao động chỉ tạm đủ cho sinh hoạt hàng ngày, học hành con cái thì người lao động không thể tiếp cận được với căn hộ riêng cho mình…Vậy thành phố Hà Nội đã có chính sách gì để triển khai thực hiện chủ trương này?.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong chia sẻ: “Vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân được Trung ương, thành phố, Thành ủy, các cấp, ngành vô cùng quan tâm.
Trong những năm qua, UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở Tp. Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở Tp. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Tp. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Dự kiến ngày 19/5, Bộ Xây dựng sẽ triển khai kế hoạch này. Hiện, Hà Nội cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân.
Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.
Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ dần đáp ứng được nhu cầu của người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND Tp. Trần Sỹ Thanh trả lời thêm về chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động: “Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà.
Thành phố sẽ làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý.sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội
Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần thời gian và lộ trình...".