Chủ tịch TP.HCM: Báo cáo hàng ngày tiến độ gói thầu của Tập đoàn Thuận An
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, nếu Tập đoàn Thuận An tiếp tục thi công thì các chủ đầu tư như phải giám sát chặt chẽ và báo cáo tiến độ hằng ngày.
Chiều 3/5, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư xử lý các nhà thầu chậm tiến độ, điển hình như Tập đoàn Thuận An.
Cần tìm hiểu xem doanh nghiệp có tiếp tục thi công nữa hay không. Nếu Tập đoàn Thuận An tiếp tục thi công thì các chủ đầu tư như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phải giám sát chặt chẽ và báo cáo tiến độ hằng ngày để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Cũng theo ông Mãi, nếu như Tập đoàn Thuận An không tiếp tục thì các đơn vị cần xem xét những thành viên còn lại của liên doanh có tiếp tục được không, nếu không phải có phương án khác.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ngay khi sự cố xảy ra, TP.HCM đã họp với chủ đầu tư, rà soát lại công tác đấu thầu, kiểm tra lại khả năng thực hiện tiếp dự án của nhà thầu, rà soát lại tài chính và các vấn đề có liên quan để xử lý. Không chỉ Tập đoàn Thuận An, UBND TP.HCM cũng đề nghị các chủ đầu tư xử lý nghiêm đối với các nhà thầu năng lực yếu, chây ì.
Ông Mãi chia sẻ, vừa qua, ông đã chủ trì cuộc gặp với các nhà thầu, qua đó UBND thành phố nêu rõ quan điểm sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công, thậm chí vật liệu có tăng giá nhưng hợp lý thì sẵn sàng cho đàm phán, ký thêm phụ lục hợp đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các chủ đầu tư, ông Mãi đề nghị phải lên kế hoạch giải ngân hàng tháng và giám sát kế hoạch đó.
Đồng thời đề nghị các đơn vị hết sức tập trung đối với các dự án chuyển tiếp, nhất là cần xem lại các dự án chuyển tiếp từ năm 2022, 2023 nhưng 4 tháng đầu năm 2024 có khối lượng giải ngân thấp.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, có những dự án đấu thầu từ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa có khối lượng thi công. Chính vì vậy, ông Mãi yêu cầu phải đẩy nhanh các dự án chuyển tiếp, nhất là các dự án lớn.
Như VTC News đưa tin, hôm 18/4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về việc thực hiện hợp đồng tại các gói thầu XL-05, XL-06 thuộc Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Theo chủ đầu tư, qua kiểm tra công trường 2 gói thầu và báo cáo của tư vấn giám sát thì hiện nay Tập đoàn Thuận An đã ngưng thi công. Các nhân sự ban chỉ huy công trường, nhân công không có trên công trường.
Chủ đầu tư yêu cầu Tập đoàn Thuận An có công văn làm rõ về khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng thi công 2 gói thầu. Trong đó nêu rõ cơ cấu tổ chức của công ty, người đại diện theo pháp luật thay thế... gửi về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM trước ngày 25/4.
Trường hợp Tập đoàn Thuận An không phản hồi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP sẽ xem đây là vi phạm hợp đồng và có hình thức xử lý theo quy định.
Đến ngày 19/4, Tập đoàn Thuận An có công văn gửi Ban quản lý hạ tầng đô thị TP.HCM để phản hồi về khả năng tiếp tục 2 hợp đồng trên.
Theo văn bản, Tập đoàn Thuận An cam kết tiếp sẽ tục thi công phần việc đơn vị đảm nhận ở gói thầu xây lắp số 5 và 6, đồng thời khẳng định không để ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.
Ngày 15/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An để điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Nguyễn Duy Hưng bị bắt trong quá trình Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.