Chủ tịch TP.HCM đề nghị chấm dứt tình trạng đùn đẩy trong tham mưu, phối hợp
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị cơ quan, đơn vị tập trung bàn các giải pháp để tăng trưởng kinh tế đạt như kỳ vọng.
Sáng 6-1, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết hội nghị sẽ tập trung đánh giá những điểm nổi bật về kinh tế - xã hội năm 2023, sự điều hành của UBND TP, sự phối hợp tham mưu của sở, ngành, địa phương. Đồng thời, thảo luận sâu về nhiệm vụ năm 2024 và giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận năm 2024 là năm được đánh giá còn nhiều khó khăn chuyển tiếp từ các năm trước. “Năm 2024 phải tăng tốc về đích để kết thúc nhiệm kỳ 2021-2025” - ông Mãi nói.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, ông Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá những kết quả làm được, hạn chế, bài học để tiếp tục phát huy, khắc phục trong năm 2024.
“Chúng ta không kể lể thành tích, hay liệt kê những việc đã làm mà tập trung phân tích những điểm trọng tâm, rút ra bài học, tiếp tục xác định trọng tâm sát hơn, giải pháp đúng hơn cho năm 2024” – ông nói và đề nghị phân tích hạn chế, nguyên đối với vai trò điều hành của UBND TP, nhất là việc triển khai chương trình, đề án, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.
Ông cũng đề nghị đại biểu thảo luận về khả năng hấp thụ vốn của thị trường còn thấp, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Hay tiến độ giải quyết công việc theo yêu cầu còn chậm, công tác phối hợp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý chờ chỉ đạo của cấp trên.
“Ở đây chúng ta muốn nói đến mối quan hệ giữa UBND TP và HĐND TP, Ban Cán sự Đảng UBND TP với Đảng đoàn HĐND TP và sự chấp hành của Ban Cán sự Đảng với Ban Thường vụ Thành ủy” – ông Mãi nêu và nhìn nhận một số chương trình công tác chưa thực hiện đầy đủ, chậm tiến độ, một số nội dung chất lượng chưa tốt.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong tham mưu cho UBND TP có tình trạng văn bản chạy qua, chạy lại, còn vấn đề phải bàn tới, bàn lui nhiều lần và xuất hiện tình trạng có sự trông chờ vào chờ chỉ đạo của lãnh đạo để triển khai mà chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu.
Ông khẳng định đây là vấn đề cần hội nghị mổ xẻ, là trọng tâm siết chặt kỉ cương trong năm 2024.
Ông cũng chỉ ra nhiều hạn chế khác của TP, như giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch, tiến độ triển khai quy hoạch chưa đảm bảo, cải cách hành chính còn hạn chế, cần tiếp tục chỉ rõ trách nhiệm, điểm nghẽn, tập trung cụ thể trong đề án nền công vụ TP.HCM.
Cạnh đó, khối lượng công việc ngày càng nhiều, độ khó ngày càng tăng trong khi đội ngũ vẫn ổn định về số lượng, thậm chí phải thực hiện tinh giản.
Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị đại biểu thảo luận mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu tăng trưởng. “Chỉ tiêu đề ra 7,5-8% được xem là cao và thách thức. Vậy cách thức nào để thực hiện đạt được, trọng tâm” – ông đặt vấn đề.
Theo ông Phan Văn Mãi, có ý kiến chuyên gia, sở, ngành lo ngại khả năng lặp lại kịch bản tăng trưởng kinh tế quý I-2023 đối với quý I-2024.
“Cần phân tích có hay không khả năng này, có đến mức độ nào, ngay cả có hoặc không có thì cần tập trung, giải pháp quyết liệt như thế nào để không diễn ra kịch bản như quý I-2023” – ông Mãi nêu.
Nhiều ngành có mức tăng trưởng khá
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong quý I-2023, kinh tế TP đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, GRDP TP trong quý I tăng 0,7% (cả nước tăng 3,28%).
Trước tình hình đó, TP.HCM đã triển khai quyết liệt các giải pháp qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong quý II. Cụ thể, GRDP quý II tăng 5,87% (cả nước tăng 5,33%), quý III tăng 6,71% (cả nước tăng 5,33%), qua đó góp phần giúp GRDP chín tháng đầu năm 2023 tăng 4,57% (cả nước tăng 4,24%)..
Ngoại trừ ngành kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng âm 6,38%, các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá như bán buôn, bán lẻ tăng 10,17%; vận tải, kho bãi tăng 7,64%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,61%; giáo dục và đào tạo tăng 7,03%...
Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất (+16,38%) so với năm 2022.