Chủ tịch TP HCM: Muốn tăng trưởng 2 con số cần những giải pháp đồng bộ
'Muốn tăng trưởng 2 con số cần những giải pháp đồng bộ. Cụ thể, TPHCM đang tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng cao hơn; tái cơ cấu để phát triển dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu', Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết và một số cơ quan báo chí ngày 21/1.
*Thưa ông, năm 2024 đã khép lại với nhiều thành tựu. Nếu được chọn một từ để khái quát những kết quả đó sẽ là từ gì?
-Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Việc lựa chọn một từ duy nhất để tóm lược cả một năm là điều không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại và tương lai, tôi chọn từ "nền tảng". Năm 2024 là nền tảng cho sự bứt phá, nền tảng cho khát vọng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
*Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Vậy thành phố có những giải pháp mới nào tạo động lực để đạt được mục tiêu cụ thể này?
-TPHCM xác định mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đây là mức tăng trưởng được “khoán” cho các đầu tàu kinh tế như TPHCM, Hà Nội... để cả nước đạt được mức tăng trưởng 2 con số. TPHCM tự nhận nhiệm vụ này và sẽ cố gắng hơn nữa nếu trung ương giao thêm chỉ tiêu.
Muốn tăng trưởng 2 con số cần những giải pháp đồng bộ. Cụ thể, TPHCM đang tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng cao hơn; tái cơ cấu để phát triển dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Kinh tế số đã tương đối rõ nét, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã có những đóng góp nhất định. Nhiều doanh nghiệp đã thực hành các tiêu chí xanh để tiếp cận thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ. Tôi nghĩ năm 2025, kinh tế số, kinh tế xanh sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, thậm chí có thể bứt phá từ năm 2025 hoặc sau năm 2025. Ngoài ra, về cơ chế chính sách, Nghị quyết 98 không thể giải quyết tất cả. Cơ chế chính sách cần đồng bộ.
*Năm vừa qua, TPHCM đã đạt mức ấn tượng trong thu ngân sách. Vậy, xin ông cho biết sắp tới thành phố có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm nay cũng như các nước tới?
-Năm 2024, TPHCM đạt mức thu ngân sách trên nửa triệu tỷ đồng là tín hiệu rất đáng mừng. Thời gian tới thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Hiện TPHCM đang tiến hành phân loại các nhóm vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền giải quyết. Những vấn đề thuộc thẩm quyền trung ương sẽ được kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, chúng tôi đã thành lập tổ công tác và phân công cụ thể.
Cách làm này giúp giải quyết vấn đề một cách tập trung và hiệu quả hơn. Tôi tin trong năm 2025, số lượng dự án được tháo gỡ sẽ còn nhiều hơn, hoạt động của các dự án sẽ sôi động trở lại và kinh tế của thành phố sẽ ngày càng khởi sắc.
Thu hút vốn đầu tư cho các dự án lớn
*Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vấn đề quy hoạch hạ tầng được thành phố thực hiện như thế nào, thưa ông?
-Trong quy hoạch thành phố, giai đoạn từ đây đến năm 2030, thành phố cần đạt được tăng trưởng 2 con số thì phải cần ít nhất 4,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, đầu tư công là 25%, tức khoảng 1,1 triệu tỷ đồng từ ngân sách, còn lại là 3,3 triệu tỷ đồng phải huy động ngoài ngân sách.
Thành phố đặt mục tiêu là đến năm 2030 về cơ bản sẽ hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông, giao thông nội bộ và giao thông kết nối, trừ đường sắt đô thị phải đến 2035. Đây là khối lượng công việc rất lớn và cần lượng lớn nguồn vốn.
Chúng ta không chỉ cải thiện giao thông và điều kiện sống mà còn giải quyết các vấn đề như ngập nước, ô nhiễm môi trường, chỗ học, chỗ khám bệnh chỗ vui chơi cho người dân. Đặc biệt, chúng ta cần chú trọng đến hạ tầng về khoa học công nghệ. Ở đây, chúng ta sẽ hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu, và các phòng thí nghiệm tại các trường đại học và doanh nghiệp.
Thành phố phải rà soát lại để khuyến khích các dự án đầu tư lớn, tạo ra những điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục và giải quyết các vướng mắc để thu hút đầu tư.
*Xin ông cho biết, kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội khoảng 3,3 triệu tỷ đồng sẽ được thực hiện như thế nào để đầu tư cho các dự án phát triển?
-Thành phố đang có những cơ chế chính sách bằng cách phát huy Nghị quyết 98. Thậm chí, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu thêm một số cơ chế chính sách để thu hút đầu tư.
Ví dụ, ngân sách sẽ bỏ ra một đồng nhưng có thể thu hút thêm 8 hoặc 9 đồng từ vốn bên ngoài. Gần đây, Công ty Đầu tư Tài chính TPHCM (HFIC) có cơ chế hợp vốn với một ngân hàng. Theo kế hoạch, ngân hàng cho vay một dự án nào đó. Cụ thể, HFIC bỏ ra 2 đồng, ngân hàng sẽ bỏ ra 8 đồng, tổng cộng là 10 đồng.
Những cơ chế này sẽ được phát huy và thành phố cũng sẽ tính toán đến chuyện là tùy theo những công trình, những dự án và những nội dung cụ thể sẽ có một chương trình phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình, trái phiếu dự án để huy động ngay.
Nguồn vốn có thể đến từ người dân trong nước và cả kiều bào ta ở nước ngoài. Năm 2024, kiều hối về qua thành phố ước tính là 9,6 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất quan trọng cho thành phố.
Tôi tin rằng việc huy động nguồn vốn này không thiếu. Có thể nói là tiền không thiếu nhưng cách chúng ta huy động và đặc biệt là cách chúng ta sử dụng, tiêu số tiền này như thế nào, giải ngân số tiền này ra sao thì rất quan trọng.