Chủ tịch TP.HCM: Nếu giải quyết tốt các tồn đọng, hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ vào nền kinh tế năm nay
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết nhiều dự án tồn đọng trong nhiều năm đã được khởi động trở lại. Nếu giải quyết tốt các tồn đọng thì chắc chắn sẽ còn hàng chục nghìn tỉ đồng đi vào nền kinh tế năm 2025.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 8.1, lãnh đạo các địa phương kiến nghị nhiều nội dung quan trọng với Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết nhiều dự án tồn đọng trong nhiều năm đã được khởi động trở lại, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó, có thể kể đến là tuyến metro 1.
Ngoài ra, nhiều đề án lớn đã được chuẩn bị, thông qua cơ quan thẩm quyền, như đề án Trung tâm Tài chính quốc tế, đề án đường sắt đô thị, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... Đây là những dự án hạ tầng chiến lược của vùng.
“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 1568 đã làm việc với TP.HCM về những tồn đọng, vướng mắc và chắc chắn trong thời gian sắp tới sẽ tháo gỡ được nhiều hơn, giải phóng được nguồn lực nhiều hơn, đóng góp cho tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025”, ông Mãi nói.
Tuy nhiên, ông Mãi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM giải quyết các tồn đọng. Nếu giải quyết tốt thì chắc chắn sẽ còn hàng chục nghìn tỉ đồng đi vào nền kinh tế của năm 2025.
Ông Mãi cũng mong muốn có định hướng, khung pháp lý để hệ thống cơ quan hành chính nhà nước quản lý những vấn đề chính, cơ bản, còn những việc có thể chuyển giao cho nền kinh tế, cho xã hội thì cần khung pháp lý để phát huy lực lượng của nền kinh tế, của xã hội.
Chủ tịch TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch của 2 hội đồng vùng kinh tế rất quan trọng là Hội đồng vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ nên có nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để phát huy liên kết vùng, phát huy nguồn lực 2 vùng. Nếu làm tốt thì 2 vùng này sẽ đóng góp trên 50% GDP của cả nước, giúp cho đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Bí thư Thành ủy Huế Lê Trường Lưu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ ngành trung ương phối hợp với TP.Huế trong quá trình tổng kết Nghị quyết 54, Nghị quyết 83 của Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị.
Ngoài ra, cần phối hợp hướng dẫn rà soát nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có tính đột phá để tiếp tục tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo phù hợp với tính chất mô hình tổ chức chính quyền của TP.Huế.
Ông Lưu cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định, nguyên tắc, tiêu chí và ưu tiên nguồn lực cho trùng tu các di sản văn hóa của địa phương sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
TP.Huế kiến nghị Chính phủ tăng hạn mức sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp để sớm chuẩn bị đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng; tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư bất động sản, dự án ngoài ngân sách để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết địa phương còn điểm nghẽn về phát triển các ngành kinh tế động lực, nhất là năng lượng tái tạo. Đến nay, tỉnh có 57 dự án năng lượng tái tạo, trên 3.700MW, lớn nhất cả nước, chưa được khởi công trong năm 2024 nên chưa tạo động lực cho phát triển toàn diện kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên chưa tiếp cận được các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nên khó khăn để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển.
Cũng theo ông Nam, Trung ương tiếp tục khởi động lại xây dựng nhà máy điện hạt nhân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cán bộ, nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn đồng tình và sẵn sàng triển khai ngay các công việc được Trung ương giao.
Ninh Thuận kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ. Theo đó, cần sớm xác định lộ trình xây nhà máy điện hạt nhân và hoàn thiện các hệ thống pháp luật quy hoạch có liên quan để tỉnh có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.
Trong bối cảnh tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, để hỗ trợ, tận dụng thời cơ và động lực thúc đẩy KH-XH của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh đang quyết tâm tập trung xây dựng chính sách này và trong quý 1/2025 sẽ hoàn thành. Tỉnh mong Trung ương quan tâm để sớm thông qua cơ chế chính sách này để tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các công việc tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cũng nêu một số kiến nghị cụ thể về nâng cấp, mở rộng các đoạn còn lại quốc lộ 24 qua các tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum; bổ sung, cập nhật một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn vào hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch điện 8, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8; bổ sung Cảng hàng không Măng Đen; sớm hoàn thiện Báo cáo rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên và trình cấp có thẩm quyền thông qua để các địa phương có cơ sở triển khai, áp dụng ngay từ đầu giai đoạn 2026-2030.