Nhiều tỉnh, thành phố tăng trưởng kinh tế mạnh, thu ngân sách vượt dự toán

Trong năm 2024 nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP cao đến 12%. Nhiều kỷ lục thu ngân sách nhà nước tại địa phương được xác lập.

Tp.HCM tăng trưởng kinh tế 7,17%, thu ngân sách 508 nghìn tỷ đồng

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, kinh tế - xã hội của thành phố đạt kết quả khá tốt, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Về tăng trưởng, Tp.HCM đạt tốc độ tăng trưởng 7,17%; thu ngân sách khoảng 508.000 tỷ đồng.

Tuyến Metro 1 hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhiều công trình giao thông khánh thành vào cuối năm 2024, nhiều dự án lớn, đề án lớn đã được chuẩn bị, thông qua cơ quan thẩm quyền, như đề án Trung tâm tài chính quốc tế, đề án đường sắt đô thị, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4, cao tốc Tp.HCM-Mộc Bài...

 Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi.

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 1568 đã làm việc với Tp.HCM về những tồn đọng, vướng mắc và chắc chắn trong thời gian sắp tới sẽ tháo gỡ được nhiều hơn, giải phóng được nguồn lực nhiều hơn, đóng góp cho tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025”, ông Mãi nói.

Theo lãnh đạo Tp.HCM, năm 2025 TP sẽ nghiêm túc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương gắn với tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ, tái cơ cấu đội ngũ công chức viên chức và chuyển đổi số mạnh mẽ nền hành chính để nâng cao hiệu lực hiệu quả.

Tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 137/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ cũng như Chỉ thị 19 của UBND thành phố, trong đó, nâng cao kỷ cương hành chính, tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư để huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng để bảo đảm được tăng trưởng từ 10% trở lên.

Khẩn trương triển khai quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt ngay trong năm 2025 để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai trung tâm tài chính quốc tế cũng như là các dự án là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4 và đường sắt đô thị. Phối hợp để triển khai các công trình trọng điểm như Nhà ga T3, vành đai 3 cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.

Thành phố sẽ khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của thành phố gắn với phát huy hoạt động của Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 trong mạng lưới của Diễn đàn Kinh tế thế giới

Hà Nội: GRDP đạt 6,52%, thu ngân sách vượt 500 nghìn tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, được sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành Trung ương, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thông qua, bên cạnh Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, là cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển Thủ đô, tạo không gian phát triển mới trong kỷ nguyên mới.

 Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024; tăng trưởng đạt 6,52% (năm 2023 là 6,27%). Quy mô GRDP đạt gần 59 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.500 USD. Thu ngân sách đạt 509,3 nghìn tỷ đồng (lần đầu tiên vượt 500 nghìn tỷ đồng), tăng gần 23,8% so với 2023; trong đó thu nội địa chiếm gần 94%. Vốn FDI đạt trên 2 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 29 nghìn, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 400 nghìn.

Nhiều công trình, dự án của thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đồng thời, Thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện nay đã có 9 cầu); đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời đang tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi).

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường với tinh thần triệt để, thực chất, toàn diện; phát động Phong trào "Sáng, xanh, sạch, đẹp Thủ đô", với cách làm mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia…

TP Huế: GRDP đạt trên 8%, thu ngân sách trên 13 nghìn tỷ đồng

Bí thư Thành ủy TP. Huế Lê Trường Lưu cho biết, năm 2024, TP. Huế hoàn thành 13/15 chỉ tiêu chủ yếu và tăng trưởng đạt 8,15%, thu ngân sách đạt trên 13.000 tỷ đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, du lịch tiếp tục khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 85 %, nhiều công trình trọng điểm tạo động lực và góp phần thay đổi diện mạo đô thị Huế theo hướng văn minh, hiện đại.

Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được thành phố tập trung và chỉ đạo, các chỉ số về cải cách hành chính của thành phố luôn nằm trong nhóm có vị thứ cao của cả nước và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo.

 Bí thư Thành ủy TP. Huế Lê Trường Lưu.

Bí thư Thành ủy TP. Huế Lê Trường Lưu.

Năm 2025, TP. Huế quyết tâm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng đạt hai con số là 10% và cũng đã đề ra nhiều cái nhóm giải pháp cụ thể.

Bí thư TP Huế Lê Trường Lưu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với thành phố Huế trong quá trình tổng kết Nghị quyết 54, Nghị quyết 83 của Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị. Đồng thời phối hợp hướng dẫn rà soát nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có tính đột phá để tiếp tục tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo phù hợp với tính chất mô hình tổ chức chính quyền của thành phố Huế....

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế 12%, thu ngân sách lần đầu đạt 30 nghìn tỷ đồng

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho hay năm 2024, Hải Dương là một trong các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của cơn bão số 3, mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với quyết tâm cao, Hải Dương đã tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 12% so với năm 2023, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng khi tăng trưởng đạt 14,17%.

Lần đầu tiên thu ngân sách của tỉnh đạt trên 30.000 tỷ đồng, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong công tác tài chính, đưa Hải Dương vào trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách đạt mốc 30.000 tỷ đồng.

 Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.

Hải Dương đã tập trung cao độ việc đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm quan trọng, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển mới cho tỉnh. Giải ngân đầu tư công đạt trên 117% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt trên 95% kế hoạch tỉnh giao…

Tỉnh Hải Dương xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để đạt được cam kết những mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phải tập trung vào Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; thực hiện quyết liệt nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Theo đó, tỉnh đã đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu và 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, phấn đấu đạt trên 12% so với năm 2024.

Kon Tum: Tăng trưởng cao nhất khu vực Tây Nguyên

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn, năm 2024 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,02%, cao nhất trong khu vực Tây Nguyên; thu ngân sách địa phương đạt 136% dự toán Trung ương giao; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 29,62%so với cùng kỳ. Dự kiến đến 31/01/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Du lịch có bước khởi sắc, thu hút được khoảng 2,3 triệu lượt khách, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ giảm nghèo đạt gần 3%, số hộ nghèo còn lại trên địa bàn chiếm tỷ lệ 4,31%, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,65%.

Thực hiện định hướng của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo triển khai quyết liệt, kịp thời việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đến nay, tỉnh Kon Tum cơ bản hoàn thành phương án dự kiến theo đúng định hướng của Trung ương. Các cơ quan sau khi hợp nhất dự kiến sẽ cắt giảm ít nhất 30% đầu mối bên trong, các cơ quan không thuộc diện sắp xếp, hợp nhất phải rà soát, cắt giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong.

Trong năm 2025, tỉnh Kon Tum tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết cùng với tăng cường thu hút đầu tư, nhất là hợp tác công tư để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Kon Tum với các địa phương trong khu vực, cả nước như: Tuyến cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi; Cảng hàng không Măng Đen. Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành có lợi thế như phát triển du lịch, nông, lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh; hình thành các nhà máy chế biến nông lâm sản, dược liệu...

Ninh Thuận: GRDP gần 9%

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, kinh tế xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng ở mức khá, trong 4 năm qua, đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, thuộc tốp đầu cả nước. Riêng năm 2024, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,74%, xếp thứ 4/14 tỉnh trong khu vực, 14/63 tỉnh, thành phố, GRDP bình quân đầu người đến cuối 2024 đạt trên 98 triệu đồng/người, thu hẹp nhanh khoảng cách với cả nước và trong vùng, đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh có thu nhập trung bình.

 Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Thu ngân sách năm 2024 vượt 21% kế hoạch, thu hút được 1,2 tỷ USD vốn FDI thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu năm 2024. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được triển khai đạt kết quả tích cực, đến 31/12/2024, tỉnh đã giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, về chương trình mục tiêu quốc gia đạt 97%. Kết cấu hạ tầng kinh tế, công tác đối ngoại, quốc phòng an ninh... được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó hăn, vướng mắc. Một là điểm nghẽn về phát triển các ngành kinh tế động lực, nhất là năng lượng tái tạo. Đến nay, tỉnh có 57 dự án năng lượng tái tạo, trên 3.700 MW, lớn nhất cả nước, chưa được khơi thông trong năm 2024 nên chưa tạo động lực cho phát triển toàn diện kinh tế của tỉnh. Nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên chưa tiếp cận được các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nên khó khăn để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển.

Năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng với quyết tâm tăng trưởng GRDP 2025 đạt 13-14%, tập trung hoàn thành sắp xếp bộ máy ngay trong quý 1/2025, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc công cuộc chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Công điện 112 của Thủ tướng Chính phủ cũng như tập trung để khắc phục ngay những hạn chế. Đặc biệt, tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ của tỉnh để tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân.

Lào Cai: Thu ngân sách cao hơn 40% dự toán

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho hay, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3 nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực nên kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai vẫn đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thẻ là tăng trưởng GRDP đạt 7,38%, thu ngân sách đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, cao hơn 40% so với kế hoạch được giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt 120% kế hoạch.

Lĩnh vực xã hội, công tác an sinh đời sống v hóa của nhân dân đạt được nhiều kết quả toàn diện. Đặc biệt, công tác khắc phục hậu quả và hoàn lưu cơn bão số 3 được thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Tỉnh cũng tập trung xây dựng nhà ở xã hội (khởi công 6 dự án, đạt 63% kế hoạch được Thủ tướng giao đến năm 2030); triển khai kế hoạch xóa 11.000 căn nhà tạm thuộc diện hộ nghèo (đã khởi công được hơn 60%).

Năm 2025, tỉnh Lào Cai tập trung, ưu tiên phát triển kinh tế với mục tiêu cao để phấn đấu với kịch bản tăng trưởng hai con số, quyết liệt để chuyển đổi số, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, sắp xếp bộ máy và chống lãng phí.

Tỉnh đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Khởi công dự án đường sắt tốc độ cao tại Lào Cai; khởi công sân bay Lào Cai; khởi công và hoàn thành đường dây 500 KV từ Vĩnh Nhiên đến Lào Cai, hoàn thành cửa khẩu thông minh...

Trà Vinh: Tăng trưởng GRDP đạt trên 10%

Chủ tịch UBND tình Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết năm 2024, tỉnh thực hiện đạt và vượt 21/23 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tăng trưởng GRDP đạt 10,04%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 34.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 6.432 tỷ đồng. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cơ bản đạt 08/08 tiêu chí tỉnh nông thôn mới. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 98,6%. Tỉ lệ hộ cận nghèo còn 1,84%.

 Chủ tịch UBND tình Trà Vinh Lê Văn Hẳn.

Chủ tịch UBND tình Trà Vinh Lê Văn Hẳn.

Tỉnh đã quyết liệt trong việc chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp cấp xã; đồng thời có Phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức, biên chế, nhân sự, lộ trình sắp xếp số công chức dôi dư sau hợp nhất trong thời hạn 5 năm...

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tổ chức thành công Hội thảo nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PGI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI. Kết quả công bố các chỉ số PCI, SIPAS, PAR index năm 2023 đều tăng điểm, tăng hạng so với năm 2022, trong đó: Chỉ số PAR index tăng 2 bậc, xếp thứ hạng 48/63 tỉnh; Chỉ số SIPAS tăng 4 bậc, xếp thứ hạng 15/63 tỉnh; Chỉ số PCI tăng 2 bậc, xếp hạng 24/63 tỉnh...

Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh vẫn còn 2 vấn đề khó khăn, hạn chế lớn: Kinh tế tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông chưa thật sự đồng bộ.

Năm 2025, Trà Vinh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,0-7,5% (phấn đấu 8%). Xây dựng kịch bản tăng trưởng 10,14%.

Nghệ An: Tăng trưởng GRDP trên 9%

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho hay, năm 2024, tỉnh Nghệ An đã đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Cụ thể, tăng trưởng GRDP trên 9% (9,01%), thu ngân sách đạt 25.400 tỷ đồng; tiếp tục duy trì top 10 các tỉnh, thành phố trong thu hút đầu tư với 1,75 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,5%. Nghệ An tập trung hoàn thành được các công trình trọng điểm, đảm bảo yêu cầu về hạ tầng cho sự phát triển trong thời gian tới.

Nghệ An chủ động thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành 11.787 căn nhà, đạt 75% mục tiêu, và quyết tâm hoàn thành vào ngày 31/8/2025.

Tỉnh cũng đã hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giảm 1 huyện và 48 xã.

Năm 2025, Nghệ An xác định đặt mức tăng trưởng là không dưới 10%, tập trung chỉ đạo thực hiện thành công, an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14; tập trung cao độ để thực hiện và hoàn thành có hiệu quả, có kết quả về tinh gọn, tổ chức bộ máy...

Tây Ninh: GRDP tăng trên 8%

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho hay tăng trưởng kinh tế GRDP vượt Nghị quyết, tăng 8,45%. Du lịch tiếp tục là điểm sáng. Kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch tăng 16,7%, đạt 7,6 tỉ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán đạt 118,5%, 100 % huyện, thị xã, thành phố vượt dự toán ngân sách đề ra.

Tây Ninh tiếp tục duy trì nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất, giải ngân vốn đầu tư công đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. An sinh xã hội được bảo đảm. Tiếp tục duy trì nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, và triển khai được 50 % Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. An ninh quốc phòng được bảo đảm, giữ vững chủ quyền, biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình và hợp tác.

Năm 2025, tỉnh Tây Ninh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, trong đó, thực hiện thành công việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, hiệu lực theo chủ trương trong quý 1/2005. Hiện thực hóa nhanh các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội, khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực để tạo đột phá trong thực hiện phát triển kinh tế trong năm 2025 và cả giai đoạn 2026 – 2030.

Bảo An

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhieu-tinh-thanh-pho-tang-truong-kinh-te-manh-thu-ngan-sach-vuot-du-toan-d55063.html