Chủ tịch TPHCM 'điểm tên' những việc cần làm ngay và dự án phải hoàn tất cuối năm
Trong tháng 5 phải khởi động lại dự án chống ngập do triều, đảm bảo đạt mốc hoàn tất dự án này vào cuối năm; thông qua Ban Thường vụ Thành ủy trình Chính phủ xin chủ trương đề án Cảng trung chuyển Cần Giờ...
Một loạt việc cần làm trong tháng 5
Phát biểu kết luận phiên họp kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5 chiều 28/4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định tình hình KT-XH thành phố trong tháng 4 có một số điểm sáng, có xu hướng phục hồi, phát triển, dù vẫn còn khó khăn buộc phải tiếp tục theo dõi và nỗ lực hơn nữa. Về mặt tích cực, kết quả trên đến từ thị trường và nỗ lực của hệ thống, trong đó có cả những nỗ lực của cá nhân trong tập trung, phân nhóm triển khai, tháo gỡ các nhóm vấn đề.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần làm sắp tới, ông Phan Văn Mãi yêu cầu ngay trong tháng 5 phải tập trung ban hành kế hoạch UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 24 và 31 của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ và phương hướng phát triển TPHCM.
Về 29 nội dung thành phố đã kiến nghị Thủ tướng tại buổi làm việc mới đây và được người đứng đầu Chính phủ kết luận đồng thời giao thêm một số nhiệm vụ, ông Mãi đề nghị các sở ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch thực hiện kết luận trên, khẩn trương tổ chức thực hiên và đạt kết quả.
Lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị hoàn thiện kế hoạch triển khai nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. “Không chờ khi có nghị quyết thì mới triển khai, mà phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết này bằng việc phân giao một số việc thực hiện trước cho một số sở ngành”, ông Mãi nêu rõ.
Về nhiệm vụ đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sau kỳ họp HĐND gần nhất, thành phố đã phân giao hết vốn dự phòng trung hạn, vốn năm 2023. Trên cơ sở đó, lãnh đạo TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các sở ngành hoàn thiện hồ sơ để triển khai nhanh nhất các công việc, với mục tiêu hết quý II phải đạt tỷ lệ giải ngân 35%. Đi kèm đó là tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng.
Cạnh đó, đối với các dự án lớn, dự án đã được khởi công thì cần tập trung đẩy nhanh tiến độ để ra vốn sớm. Ngoài ra, tháng 5 tới phải khởi động lại dự án chống ngập do triều, đảm bảo đạt mốc hoàn tất dự án này vào cuối năm.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng yêu cầu sở ngành thành phố đảm bảo tiến độ thực hiện các quy hoạch: Quy hoạch chung TP. Thủ Đức, Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 – 2030… nhằm đảm bảo cuối năm trình Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TPHCM để trình các cấp thẩm quyền Trung ương phê duyệt. Trong tháng 5 tới cũng sẽ thông qua Ban Thường vụ Thành ủy trình Chính phủ xin chủ trương đề án Cảng trung chuyển Cần Giờ.
Lượng tiền mặt về kho bạc giảm dần
Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh cho biết dự ước thu tháng 4 khoảng 42.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 26/4, thành phố thu được khoảng 31.000 tỷ đồng và hai ngày cuối tháng 4 cũng là thời điểm quyết toán quý I nên nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp rất lớn.
Ông Minh đánh giá tình hình sẽ đạt được tiến độ thu ngân sách đặt ra, kết thúc 4 tháng có thể thu được 170.000 tỷ. Với tiến độ thu như vậy, tình hình thu ngân sách năm 2023 có thể đảm bảo thu đủ theo dự toán gần 470.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho hay tính riêng số thu hằng ngày thì giảm dần. Phân tích điều này, ông cho biết lượng tiền mặt đổ về kho bạc đã giảm dần. Để đạt được tổng mức thu 470.000 tỷ đồng theo kế hoạch, trước đây mức thu đạt khoảng 1.700-1.800 tỷ đồng, thì đến cuối tháng 3 đến tháng 4 này, mức thu chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết nguyên nhân lớn nhất hiện nay có liên quan đến hai khoản thu ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Theo ông Minh, cuối năm 2022 khoản thu từ chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán đang vận hành tốt. Tuy nhiên với những diễn biến thị trường đã xảy ra, hiện mức thu từ các hoạt động bất động sản đã giảm trên 50%, trong khi thu từ chứng khoán giảm trên 70%. “Hiện nay giao dịch hằng ngày trên phạm vi cả nước đã giảm sâu, khi trước đây có ngày sôi động lên đến 300.000 tỷ đồng, còn hiện chỉ trên dưới 10.000 tỷ đồng. Và TPHCM cũng giảm rất sâu”, ông Minh nêu thực trạng và nói đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường và thành phố cần tìm hướng đi căn cơ.
Nêu giải pháp, ông Minh cho rằng trước mắt phải làm sôi động lại thị trường bất động sản, sau đó khơi thông các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dựng sự bền vững cho thị trường chứng khoán. “Doanh nghiệp và thành phố có sự hồi phục, đảm bảo niềm tin thì thị trường chứng khoán sẽ ấm lại”, ông nói thêm.
Tìm phương thuốc “cứu” doanh nghiệp
Trao đổi tại phiên họp, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) Phạm Phú Trường đánh giá doanh nghiệp đang “bệnh” rất nặng và nếu thời gian “chờ thuốc” chậm thì thành phố sẽ mất đi rất nhiều doanh nghiệp cũng như cơ hội phát triển kinh tế. “Chúng ta đã cùng nhau nhìn nhận đúng mức vấn đề, tuy nhiên cũng phải xem lại cách “cứu chữa” doanh nghiệp”, ông Trường nhận định.
Vị này cũng băn khoăn việc chừng nào doanh nghiệp sẽ nhận được những giải pháp giúp họ phục hồi, do đó kiến nghị lãnh đạo thành phố đưa ra thời gian cụ thể để doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động tiếp theo, trong đó có việc tính được chi phí vốn để biết được khả năng chịu đựng được bao lâu.
Cũng theo Chủ tịch YBA, sức khỏe doanh nghiệp yếu phụ thuộc vào thị trường, do đó cần có thêm các gói kích cầu tiêu dùng trong nước và tại TPHCM để giúp doanh nghiệp có cơ hội duy trì thời gian chờ liều thuốc mạnh nhất, tốt nhất từ Trung ương.