Chủ tịch TPHCM kêu gọi người dân mua trái phiếu metro thay vì gửi ngân hàng
Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, sắp tới thành phố sẽ có cơ chế phát hành trái phiếu để làm đường sắt đô thị... Ông mong muốn người dân mua, đóng góp thành phố.
Đây là nội dung Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề cập tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029, sáng 3/10.
Theo đó, ông Mãi cho biết, sắp tới, thành phố sẽ có cơ chế phát hành trái phiếu để làm đường sắt đô thị (metro)... Đồng thời, mong muốn người dân thành phố tham gia chung sức cùng thành phố để thực hiện các dự án này thông qua mua trái phiếu.
"Thay vì gửi tiền ngân hàng với lãi suất cao, bà con thành phố có thể mua trái phiếu đường sắt đô thị. Tuy có lãi suất có thể thấp hơn, nhưng đây là việc làm lớn lao, đóng góp vào công cuộc xây dựng thành phố", ông Mãi nói.
Bên cạnh đó, thông tin tại đại hội về kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2026-2030, ông Mãi nêu rõ, TP.HCM bám sát các định hướng, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.
TP.HCM xác định kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn này như một chương trình hành động để triển khai Nghị quyết 31 và thực hiện quy hoạch thành phố. Trong đó, có 3 mục tiêu nổi trội là thành phố toàn cầu; có vị thế nổi trội trong khu vực; thành phố giàu bản sắc, phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.
Về mục tiêu tăng trưởng GRDP, ông Mãi nhấn mạnh, giai đoạn 2026-2030, thành phố đặt mục tiêu từ 8-8,5%.
"Với mức tăng trưởng này, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 12.300 - 12.700 USD. Nếu đạt được mức này sẽ chạm được ngưỡng thu nhập cao", ông Mãi cho hay.
Theo ông Mãi, sau năm 2030, TP.HCM định hướng phát triển đô thị đa trung tâm. Trong đó, khu vực lõi trung tâm TP.HCM và 4 đô thị ở các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và Khu đô thị biển Cần Giờ.
"Giai đoạn từ nay đến 2030, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật để chuẩn bị sau năm 2030 triển khai tại các vùng và ổn định", ông thông tin.
Ngoài ra, tại đại hội, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt hàng MTTQ Việt Nam TP.HCM nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đề nghị MTTQ Việt Nam TP.HCM có chương trình sáng kiến nhân dân xây dựng thành phố; tích cực tham gia đóng góp trực tiếp cho các công trình, dự án lớn của thành phố như đường sắt đô thị, đường Vành đai 4…
Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP.HCM hồi giữa tháng 7, TP.HCM đã có tờ trình của UBND TP.HCM về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ nay đến năm 2035, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 6 tuyến metro, dài 183 km theo kết luận của Bộ Chính trị. Trong đó, tổng vốn cần hơn 837.000 tỷ đồng, TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế và mong muốn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Đến năm 2045, TP.HCM sẽ xây dựng, hoàn thành tổng cộng 351 km đường sắt đô thị. Năm 2060, dự kiến hoàn thành 10 tuyến metro, tổng chiều dài 510 km.