Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể không dự Hội nghị thượng đỉnh G20

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ vào tuần tới, mà sẽ cử Thủ tướng Lý Cường đi thay.

Lãnh đạo Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, năm 2019. (Ảnh: Sputnik)

Lãnh đạo Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, năm 2019. (Ảnh: Sputnik)

Một quan chức phương Tây tham gia quá trình chuẩn bị hội nghị cho biết như vậy. Bắc Kinh chưa xác nhận điều này.

Thông tin này xuất hiện sau những nỗ lực thất bại của nhiều diễn đàn cấp bộ trưởng của G20 nhằm tìm ra quan điểm chung về các chủ đề, từ chăm sóc sức khỏe đến biến đổi khí hậu, do những bất đồng về cuộc xung đột ở Ukraine và cách chia sẻ gánh nặng giữa các quốc gia giàu có và đang phát triển.

Sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc sẽ trở thành đòn giáng mạnh vào vai trò chủ tịch luân phiên của Ấn Độ và ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi. Việc đó cũng làm giảm tầm vóc của G20 với vai trò là diễn đàn lãnh đạo toàn cầu ưu việt, trong bối cảnh có những rạn nứt sâu sắc giữa các thành viên.

Một số nhà quan sát Ấn Độ cho rằng Trung Quốc muốn phá hỏng sự kiện điểm nhấn của Ấn Độ, vào thời điểm hai nước tiếp tục mâu thuẫn về tranh chấp biên giới.

“Trung Quốc là quốc gia phản đối chính sách đồng thuận trong hầu hết mọi vấn đề”, Indrani Bagchi, giám đốc điều hành của Trung tâm Ananta Aspen, một tổ chức tư vấn Ấn Độ, đánh giá.

Đây sẽ là lần đầu tiên ông Tập hoặc bất kỳ chủ tịch nước nào của Trung Quốc bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức được thành lập để tìm kiếm sự đồng thuận giữa các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, bất chấp khác biệt về kinh tế hoặc xã hội.

Josh Lipsky, giám đốc cấp cao của Trung tâm Kinh tế Địa lý thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh G20 đặt ra câu hỏi về “sự tồn tại và thành công bền vững lâu dài” của G20.

Ông Gordon Brown, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 với tư cách là thủ tướng Anh, cho rằng tổ chức này đại diện cho “sự xích lại gần nhau của thế giới”.

Tuy nhiên, việc Nga tách khỏi phương Tây sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái khiến G20 không còn đoàn kết. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây càng làm trầm trọng thêm rạn nứt giữa các thành viên phát triển và đang phát triển.

G20 đã đạt được thỏa thuận chung bất ngờ tại hội nghị thượng đỉnh năm 2022 ở Bali, Indonesia. Nhưng các cuộc thảo luận năm nay dưới sự chủ trì của Ấn Độ cho thấy sự rạn nứt dường như không thể hàn gắn giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc về cuộc xung đột ở Ukraine.

Tại cuộc họp cấp các bộ trưởng ngoại giao, tài chính và các quan chức khác của G20, Ấn Độ không đạt được tuyên bố cuối cùng nào mà tất cả các thành viên đồng ý. Nga và Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những từ ngữ mà phương Tây muốn đưa vào về cuộc xung đột ở Ukraine.

Khi được hỏi về việc ông Tập sẽ không dự thượng đỉnh G20, ngày 1/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói rằng họ sẽ công bố kế hoạch công du nào vào “thời điểm thích hợp”.

Trong tháng này, Bắc Kinh bác bỏ những ý kiến cho rằng họ đã cản trở sự đồng thuận của G20 về việc cắt giảm khí thải.

Tuần trước, ông Tập tham gia tích cực vào hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi. Ở đó, BRICS đưa ra quyết định mở rộng số lượng thành viên từ 5 lên 11, một động thái được coi là nhằm tạo nên đối trọng với những diễn đàn toàn cầu do Mỹ dẫn dắt.

Daniel Price, cựu quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ George Bush, cho rằng việc ông Tập không dự thượng đỉnh G20 rõ ràng ảnh hưởng đến vai trò chủ tịch của Ấn Độ, đồng thời làm nổi bật sự thiếu gắn kết thực sự giữa các nước BRICS.

Bình Giang

Theo Financial Times

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-co-the-khong-du-hoi-nghi-thuong-dinh-g20-post1565701.tpo