Chủ tịch UBND huyện Bến Lức đối thoại với công nhân lao động, đại diện người sử dụng lao động
Ngày 27/4, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Trần Văn Tươi; Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện - Nguyễn Anh Thư đồng chủ trì Hội nghị đối thoại với công nhân lao động và đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn huyện. Tham gia đối thoại có đại diện 150 công nhân lao động, người sử dụng lao động; đại diện một số sở, ngành tỉnh, huyện; Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; Hiệp Hội doanh nghiệp huyện Bến Lức.
Tại buổi đối thoại, có nhiều lượt ý kiến từ công nhân lao động, người sử dụng lao động xoay quanh các vấn đề: tỉnh, huyện cần xây dựng các thiết chế Công đoàn cho công nhân có khu vui chơi giải trí; quan tâm xây dựng nhà ở xã hội để người lao động được an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống tại địa phương, giữ chân người lao động; doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động còn khá nhiều trên địa bàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người lao động, tình hình an ninh trật tự, giải pháp giải quyết tình trạng này.
Ngoài ra, công nhân lao động, người sử dụng lao động cũng nêu ra các vấn đề khác như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới đã tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người lao động như mất việc, giảm giờ làm; tình trạng cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" xuất hiện ngày càng nhiều; tình hình trộm nóng tại các khu nhà trọ, gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội; vấn đề trường học cho học sinh là con công nhân,…
Các vấn đề nêu trên, các cơ quan chức năng đều có câu trả lời, giải thích thỏa đáng đến công nhân lao động, người sử dụng lao động.
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi khẳng định, doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế, đặc biệt, lực lượng công nhân lao động là lực lượng trực tiếp sản xuất, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế. Vì vậy doanh nghiệp, công nhân lao động là đối tượng Nhà nước phải quan tâm, phục vụ. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn khó khăn nên chưa giải quyết thỏa đáng các nhu cầu của công nhân lao động.
Thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Bến Lức được đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đây cũng là khó khăn của huyện, bởi Bến Lức là huyện trọng điểm về kinh tế, doanh nghiệp nhiều, người dân nhập cư đông nên chưa đáp ứng hết nhu cầu trường lớp cho con em công nhân lao động. Hiện, huyện đang kêu gọi xã hội hóa trường học, y tế, các tiện ích khác. Đặc biệt, Bến Lức vận động doanh nghiệp dành một phần diện tích đất trong khuôn viên tạo ra các thiết chế văn hóa, đáp ứng các nhu cầu của người lao động như cửa hàng tiện ích, căn tin, sân tập thể thao,...
Chủ tịch UBND huyện cũng thông tin, hiện nay, chính sách nhà ở xã hội đang được tỉnh quan tâm và đưa chỉ tiêu cụ thể từng năm. Tại địa bàn Bến Lức, đến năm 2024, huyện sẽ có nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động. Bến Lức hiện đang rà soát nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, vận động doanh nghiệp tham gia.
Riêng vấn đề an ninh trật tự, an ninh công nhân, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức cho biết, Bến Lức đang xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn toàn huyện với mô hình “Tổ công nhân tự quản 3 trong 1” trong các doanh nghiệp. Nội dung tự quản 3 trong 1 gồm, giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống dịch Covid-19. Qua các mô hình này, huyện kêu gọi công nhân lao động nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tuyệt đối không tham gia vay tiền “xã hội đen” mà nên thông qua các tổ chức tín dụng có sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước./.