Chủ tịch UBND huyện Mường Lát trả lời đơn của các hộ dân bản Chim, xã Nhi Sơn
Sau khi nhận được đơn của một số hộ dân bản Chim, xã Nhi Sơn (Mường Lát) khiếu nại các vấn đề liên quan đến việc cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp, Báo Thanh Hóa đã có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Mường Lát để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 15-8-2019, UBND huyện Mường Lát có Công văn số 1163/UBND-TNMT trả lời với nội dung chính, như sau:
Năm 1999-2000, ngành Kiểm lâm được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với huyện thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng trên địa bàn huyện Mường Lát. Tuy nhiên, do thời điểm đó, phương tiện kỹ thuật chưa có, hơn nữa nhân dân cũng chưa nhận thức rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc cấp GCNQSDĐ, cộng với việc chưa sâu sát, thiếu kiểm tra của cán bộ đi giao đất nên xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình đang canh tác trên đất của mình nhưng thửa đất lại đứng tên trên GCNQSDĐ của hộ khác và ngược lại. Nhiều hộ gia đình đang giữ GCNQSDĐ mang tên mình nhưng không biết thửa đất nằm ở đâu. Những năm trước đây, do biến động của đời sống kinh tế, xã hội, Mường Lát là trung tâm của việc di cư tự do, tạo nên nhiều điểm dân cư mới nhập vào các bản mà nhân dân đã sinh sống trước đó, tạo nên những xáo trộn nhất định về trật tự an ninh cũng như canh tác.
Đất sản xuất nông nghiệp của người dân huyện Mường Lát. Ảnh: Tiến Đông
Để giải quyết các tồn tại trên, ngày 19-2-2014, UBND huyện Mường Lát có Tờ trình số 10/TTr-UBND đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho rà soát để cấp lại, cấp đổi GCNQSDĐ lâm nghiệp cho toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Ngày 7-6-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1931/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch đo đạc bản đồ, đăng ký, cấp GCNQSDĐ, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2016 và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm chủ đầu tư dự án.
Sau khi các đơn vị tư vấn cùng chính quyền địa phương, ban quản lý bản và người dẫn đạc (chủ yếu là các hộ trực tiếp có đất) tiến hành đo đạc, rà soát, ký nhận; UBND xã rà soát, niêm yết công khai tại trung tâm bản và UBND xã 15 ngày, tiến hành xét duyệt đối với từng thửa đất để gửi về phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Mường Lát để tiến hành cấp GCNQSDĐ. Việc cấp GCNQSDĐ rừng sản xuất tại xã Nhi Sơn nói riêng, các xã khác nói chung tương đối thuận lợi bởi trong đợt rà soát lần này, các hộ được trực tiếp dẫn đạc, chỉ rõ đất rừng sản xuất của mình đang canh tác cũng như có sự tham gia của các hộ giáp ranh. Hơn nữa, Sở TN&MT tỉnh thuê đơn vị tư vấn độc lập để nghiệm thu sản phẩm nên độ chính xác cao.
Tuy nhiên, sau một thời gian nhận GCNQSDĐ, một số hộ tại bản Chim, xã Nhi Sơn cho rằng gia đình bị cấp thiếu và không cấp cho phần đất mà lâu nay một số hộ đang canh tác (Hiện nay bản đồ được đo đạc chính quy, áp dụng theo hệ tọa độ chuẩn quốc gia VN2000 nên dễ dàng nhận biết, sử dụng) và kiến nghị lên UBND huyện như nội dung trong đơn nêu.
Sau khi tiếp nhận kiến nghị của các hộ dân, UBND huyện Mường Lát đã cử cán bộ phòng TN&MT cùng ban quản lý bản, xã tiến hành kiểm tra thực địa, lấy tọa độ khu đất người dân yêu cầu cấp GCNQSDĐ, đối chiếu lên bản đồ thì hoàn toàn thuộc thửa số 829 có chức năng là rừng phòng hộ, có diện tích là 451.010,7m2. Các bản đồ trước đấy cũng ghi nhận chức năng này nên đơn vị tư vấn, xã không tiến hành rà soát và huyện cũng không có cơ sở cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân.
Trong các buổi làm việc cũng như văn bản trả lời (có gửi cả UBND xã Nhi Sơn và ban quản lý bản Chim), UBND huyện Mường Lát cũng như các ngành đều đã trả lời các hộ dân là khu vực trên không thuộc khu vực cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân.