Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với công nhân, lao động

Chiều 18-5, tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động, đại diện cho công nhân, lao động đang làm việc trên địa bàn Hà Nội.

Chương trình do UBND thành phố và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố phối hợp tổ chức, thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Lương thấp, chi tiêu cao, thiếu nhiều hạ tầng xã hội

Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng cho biết: Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,5 triệu lao động. Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động (CNLĐ) tiếp tục gặp những khó khăn. Mặc dù năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng (quý I-2023 là 7 triệu đồng/tháng), song chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Đáng lưu ý, các dự án nhà ở 3 khu công nghiệp: Thạch Thất (Quốc Oai), Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) mới đáp ứng gần 20% nhu cầu của CNLĐ. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, đa phần diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập cho con em công nhân còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân hầu như chưa có. Việc học tập của con em công nhân, lao động cũng gặp một số khó khăn.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng báo cáo tại hội nghị.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng báo cáo tại hội nghị.

“Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội thông tin.

Chủ trì cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị người lao động cởi mở, thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng để cùng hướng tới mục tiêu chung là ổn định đời sống; xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng

Anh Bùi Thành Kiên, công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đặt câu hỏi.

Anh Bùi Thành Kiên, công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đặt câu hỏi.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, hàng loạt câu hỏi đã được công nhân, lao động trực tiếp gửi tới Chủ tịch UBND thành phố với nội dung tập trung vào việc giải quyết chế độ bảo hiểm; thanh tra, kiểm tra tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ đóng tiền BHXH; giải quyết nhu cầu nhà ở, chỗ học cho con công nhân, lao động; khám, chữa bệnh; hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho CNLĐ đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0; đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật...

Cùng với các ý kiến trực tiếp, lãnh đạo thành phố đã tiếp nhận hàng trăm kiến nghị được tổng hợp, liên quan sát sườn với đời sống của công nhân, lao động.

Năm 2030, 100% KCN, KCX có nhà ở xã hội

Đối thoại với CNLĐ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ: Hơn 3 năm qua, trong bối cảnh khó khăn do tác động và diễn biến đặc biệt phức tạp của đại dịch Covid-19 và những thách thức rất lớn của công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ chính trị, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả, thành tựu của thành phố đạt được trong thời gian qua, có sự đóng góp rất quan trọng của hơn 600 nghìn CNLĐ trên địa bàn Thủ đô.

CNLĐ dự hội nghị đối thoại.

CNLĐ dự hội nghị đối thoại.

Trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề nóng, được công nhân đặc biệt quan tâm như nhà ở xã hội, người đứng đầu UBND thành phố thông tin: Thành phố Hà Nội đã định hướng, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; quy định nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát các dự án xây dựng nhà ở công nhân đang triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các sở, Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, LĐLĐ thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

Về kiến nghị bố trí xe buýt đưa đón công nhân theo ca cho các khu vực Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và đơn vị vận hành tuyến nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phương án cho phù hợp; có thể tổ chức xe hợp đồng chuyên trách đưa đón nhân viên đảm bảo thời gian làm việc.

Xử lý nghiêm vi phạm về BHXH

Với những đề xuất liên quan vấn đề đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, nếu rút BHXH một lần, người lao động sẽ rời khỏi lưới an sinh, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi chăm sóc sức khỏe khi tuổi già.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động, khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, không thanh toán BHXH một lần, đồng chí Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp linh hoạt, bền vững, toàn diện để hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố có chính sách cho vay vốn, lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động.

Về phía thành phố, ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ, đã hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Kiên quyết không xét tham gia đấu thầu và đầu tư dự án đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, không tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động. Trường hợp các đơn vị đang thực hiện các dự án của thành phố mà nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động, sẽ triệt để xử lý dừng dự án và không giao dự án mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương đã trao quà cho CNLĐ.

Thay mặt người lao động Thủ đô, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Phạm Quang Thanh trân trọng cảm ơn Chủ tịch UBND thành phố cũng như lãnh đạo các sở, ban, ngành Thủ đô đã lắng nghe, giải đáp thỏa đáng các đề xuất, kiến nghị của CNLĐ, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương: Hiện nay, thành phố Hà Nội và Trung ương đã có rất nhiều các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đặc biệt cho đối tượng yếu thế. Trong năm 2021-2022, Chính phủ đã có Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Trong 12 chính sách đó, có 1 chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho CNLĐ. Trên cơ sở doanh nghiệp xây dựng đề án và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội duyệt và Hà Nội có 7 đơn vị liên quan được tham gia hỗ trợ với trên 1.300 lao động. Tuy nhiên, chính sách này đã kết thúc vào tháng 6-2022. Đối với CNLĐ, việc nâng cao tay nghề, chuyên môn là nhu cầu chính đáng được các đơn vị, người lao động quan tâm. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đào tạo, nâng cao tay nghề.

Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến:Dự thảo Luật BHXH dự kiến trình Quốc hội đang được triển khai lấy ý kiến có nhiều điểm mới, theo hướng mở rộng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia như giảm điều kiện tối thiểu về số năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu, hạn chế rút BHXH một lần, tăng sự hấp dẫn chính sách BHXH tự nguyện. Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng thêm quyền lợi mà không phải đóng thêm tiền.

Về việc BHXH số, BHXH thành phố đã triển khai cài đặt VssID lên tới 4,5 triệu người, giúp tra cứu được tất cả thông tin liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHXH.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1064694/chu-tich-ubnd-thanh-pho-ha-noi-doi-thoai-voi-cong-nhan-lao-dong