Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ 6 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XV, đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, các tờ trình, giải đáp kiến nghị tại kỳ họp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2020. Báo Lào Cai lược ghi phần đánh giá kết quả và định hướng phát triển kinh tế - xã hội với 6 nhóm giải pháp chính được Chủ tịch UBND tỉnh nêu ra.
Tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước
Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội của Lào Cai (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 6,08%, cao hơn mức trung bình của cả nước (ước đạt khoảng 1,81%) và cao nhất so các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Một số chỉ tiêu thậm chí tăng so cùng kỳ và có những khởi sắc như trong sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng trên 3% so với cùng kỳ, chăn nuôi phát triển ổn định, chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị giải ngân kế hoạch vốn cao hơn cùng kỳ năm trước gần 200 tỷ đồng.
Về giáo dục, hệ thống mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học khi dịch Covid-19 được kiểm soát, học sinh của tỉnh đoạt nhiều giải thưởng cao. Y tế tiếp tục được củng cố, chất lượng khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn được triển khai hết sức chủ động, tích cực. Ngành y tế đã tham mưu ban hành nhiều văn bản, quy định và hành động kịp thời, hiệu quả như thành lập các khu cách ly bệnh nhân và người nghi nhiễm Covid-19. Thực hiện cách ly toàn bộ các đối tượng nghi nhiễm, các trường hợp ra - vào vùng dịch đến Việt Nam; bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch bệnh… nên dịch Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát rất tốt dù có thời điểm nguy cơ thuộc nhóm rất cao.
6 nhóm giải pháp trọng tâm
Thứ nhất: Tập trung chỉ đạo phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã giao năm 2020 và các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cụ thể là đối với nhóm các chỉ tiêu đã đạt trên 50% kế hoạch, phấn đấu đến hết tháng 11/2020 sẽ hoàn thành. Đối với nhóm các chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch, các cấp, ngành cần có giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng, phấn đấu đến hết năm 2020 đạt và vượt kế hoạch. Trong đó có những chỉ tiêu cần đặc biệt quan tâm như thu ngân sách nhà nước trên địa bàn với các biện pháp chống thất thu, đôn đốc thu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, tạo sự thông thoáng, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối với chỉ tiêu phát triển du lịch là khai thác tối đa thị trường nội địa, hình thành các gói sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp với nhu cầu du khách trong nước. Triển khai các gói kích cầu gắn với tái cấu trúc ngành du lịch, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh Lào Cai, Sa Pa. Chú trọng phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch mang “thương hiệu” của du lịch Lào Cai như du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Thứ hai: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhân dân vùng khó khăn, đặc biệt là vùng cao, vùng xa. Cụ thể, ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư để đảm bảo 100% thôn, bản có đường giao thông ô tô đến trung tâm thôn, có điện lưới quốc gia, có nhà văn hóa, có loa phát thanh, được phủ sóng điện thoại; 100% hộ gia đình không còn phải ở nhà tạm, các hộ tự xử lý rác thải; 100% trường học xóa phòng học tạm. Trong sản xuất nông nghiệp ở vùng khó khăn là gắn với thị trường tiêu thụ bền vững thông qua liên kết các khâu, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích.
Thứ ba: Các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với các nhiệm vụ chính như tiếp tục chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh đối thoại, làm việc với từng nhóm doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ khó khăn trên từng trường hợp cụ thể. Khuyến khích các doanh nghiệp nêu cao tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, không lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực và kêu gọi, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu Kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trọng tâm là phát triển dịch vụ logistics, khu gia công sản xuất xuất khẩu.
Thứ tư: Đối với nhóm các dự án còn chậm tiến độ, tỉnh kiên quyết điều chuyển các nguồn vốn của chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp do nguyên nhân chủ quan sang các chủ đầu tư có khả năng giải ngân cao. Đồng thời chỉ đạo tăng cường đôn đốc hoàn thiện các thủ tục, nghiệm thu khối lượng hoàn thành và đẩy nhanh việc thanh toán, quyết toán các công trình, dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương về đầu tư công năm 2020. Tích cực triển khai các dự án lớn như Cảng hàng không Sa Pa; Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Sa Pa; cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bản Vược (Lào Cai, Việt Nam) - Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc); đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; đường kết nối ga Phố Mới (Lào Cai) - ga Bảo Hà - huyện Văn Yên (Yên Bái).
Thứ năm: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên cơ sở nâng cao các chỉ số thành phần về cải cách hành chính. Trong đó có việc đẩy mạnh rà soát các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục có tần suất thực hiện giao dịch lớn để tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết. Ngoài ra còn có nhiệm vụ quan trọng là sớm đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công trong quý III/2020.
Về cải cách hành chính trong quản lý ngân sách là đẩy mạnh cải cách quản lý chi tiêu công, hoàn thiện các chế độ, định mức chi tiêu. Đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước, chế độ tự chủ trong các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính để đẩy mạnh thực hiện liên thông giữa các cơ quan trong cùng cấp và các cấp hành chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình.
Thứ sáu: Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đó là: Hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo chất lượng tốt trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các cấp, ngành chủ động giữ mối liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để đưa các công trình, dự án lớn, trọng điểm, các cơ sở sản xuất vào quy hoạch, chương trình hành động và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 do Trung ương quản lý để triển khai thực hiện. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong bảo vệ dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thực hiện tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016-2020, từ đó chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng 12 đề án trọng tâm, 4 nghị quyết và 2 kế hoạch chuyên đề cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021-2025.