Đại biểu Quốc hội: Lương giáo viên cao thì chất lượng cũng phải cao

Các đại biểu Quốc hội đồng tình với những quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo trong dự án Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, việc xếp lương cao nhất trong bậc lương, các chính sách ưu tiên cũng phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, đảm bảo bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng.

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Xếp lương nhà giáo cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, nhằm tháo gỡ các khó khăn đối với các nhà giáo và tính đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: "Việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, đại đa số đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ, đạo đức rất tốt, nhưng vẫn còn một số giáo viên, kể cả lãnh đạo cấp quản lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn đến mức phải xử lý. Do vậy, đại biểu đề nghị phải có các quy định về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức, tận tâm với nghề nghiệp.

Đại biểu cũng đề cập tới đề xuất của dự thảo quy định về việc nhà giáo tại cấp học mầm non, công tác tại nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ven biển, hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập, là người dân tộc thiểu số… được ưu tiên chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo khác. Ông đề nghị cần rà soát, đánh giá cho phù hợp; chỉ nên áp dụng chính sách ưu tiên nêu trên đối với nhà giáo tại cấp học mầm non, chuyên biệt và công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) thông tin rằng, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%. Do vậy, đại biểu thống nhất với quy định về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Theo đại biểu, hiện nay nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực nhà giáo có rất nhiều nguyên nhân (có thể là do chế độ đãi ngộ, cơ chế tuyển dụng…). Do đó, đại biểu rất tán thành với quy định tại Điều 16 của dự thảo Luật Nhà giáo khi đã quy định rất rõ người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo thì được ưu tiên, tuyển dụng đặc cách.

Đặc biệt, để tạo nguồn giáo viên thật sự có chất lượng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách thu hút các đối tượng là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vào ngành sư phạm bằng cách cho phép tuyển thẳng vào các trường sư phạm.

Đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

"Việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này," đại biểu phản ánh.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, dự thảo luật quy định chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, như khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp. Nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.

Đối với chính sách thu hút nhà giáo tại Điều 29, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo. Do đó, đại biểu đề nghị xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo. Tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp hai lần lương cơ bản đối nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu.

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Trong khi đó, Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội để từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết thật phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành.

Nhất là chế độ thu hút nói chung, thu hút vùng miền nói riêng, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học, chế độ biệt phái, điều động, chế độ nghỉ hè, đào tạo, bồi dưỡng,.. nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dai-bieu-quoc-hoi-luong-giao-vien-cao-thi-chat-luong-cung-phai-cao-35787.html