Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: 'Chính quyền hai cấp phải làm cho dân bớt khổ, bớt xa'

'Tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp, yêu cầu tối thượng là phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Vì vậy, chính quyền phải gần dân hơn, cán bộ phải gần dân hơn, giải quyết việc cho dân.' - Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trong chuyến công tác tại xã biên giới Ia Dom sáng 9/7.

Xã Ia Dom nằm cách Trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai mới khoảng 222 km. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã thị sát, tìm hiểu thực tiễn vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp sau khi sáp nhập; đồng thời thăm hỏi tình hình đời sống, kinh tế - xã hội của người dân vùng biên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông cũng dành sự quan tâm đến điều kiện làm việc, nơi ăn ở, đi lại của cán bộ, công chức tại cơ sở.

Người dân địa phương bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng khi được lãnh đạo tỉnh Gia Lai trực tiếp đến thăm, trao đổi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng

Người dân địa phương bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng khi được lãnh đạo tỉnh Gia Lai trực tiếp đến thăm, trao đổi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng

Nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn khó khăn

Theo báo cáo của ông Lê Trọng Phúc - Chủ tịch UBND xã Ia Dom, đây là xã biên giới có đường biên dài 16,2 km tiếp giáp với Campuchia, diện tích tự nhiên 14.562 ha. Cây trồng chủ lực gồm cao su, điều, cà phê và một số loại cây ăn quả, chiếm hơn 10.800 ha. Ia Dom là một trong những địa phương giữ nguyên tên gọi, địa giới hành chính sau quá trình sáp nhập.

Toàn xã hiện có 2.200 hộ dân với 8.686 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 52 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, toàn xã vẫn còn 103 hộ nghèo với 432 nhân khẩu, chiếm 4,68%. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới trên địa bàn cơ bản ổn định.

Từ ngày 1/7 - thời điểm chính thức triển khai mô hình chính quyền hai cấp - xã Ia Dom đã tiếp nhận và giải quyết 119 hồ sơ hành chính. Tuy vậy, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, như: cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số; trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ, công chức còn hạn chế.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Chính quyền phải giúp dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn một lần nữa khẳng định: Việc tổ chức chính quyền hai cấp phải thực sự vì dân, vì doanh nghiệp. "Tổ chức chính quyền hai cấp mà người dân phải đi xa hơn, vất vả hơn thì đó không phải là kết quả. Ngược lại, chính quyền phải gần dân hơn, cán bộ phải gần dân hơn, giải quyết việc cho dân,” ông nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả điều này, theo ông Tuấn, điều quan trọng là phải cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch, thuận tiện. Đồng thời, chính quyền cơ sở cần hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ trăn trở trước thực trạng còn nhiều thanh niên ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, có sức khỏe, có đất sản xuất nhưng vẫn nằm trong diện hộ nghèo. “Chúng ta có sức khỏe thì phải cố gắng, chăm chỉ lao động để thoát nghèo. Đây là bài toán lớn, đòi hỏi chính quyền hai cấp phải tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp căn cơ, hiệu quả để từng bước nâng cao đời sống nhân dân,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng quà cho bà con địa phương

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng quà cho bà con địa phương

Bên cạnh đó, ông đề nghị các cán bộ cơ sở cần được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc phân công công việc phải rõ ràng, minh bạch, chủ động, tránh tình trạng chồng chéo hoặc buông lỏng trách nhiệm.

Chủ tịch tỉnh Gia Lai cũng nêu dẫn chứng cụ thể về việc hướng dẫn sản xuất cho người dân còn nhiều bất cập. “Có năm cà phê mất mùa, liền bảo dân chặt hết để trồng cây khác là không được. Làm như vậy là thiếu khoa học, thiếu hiểu biết. Khi đã hướng dẫn bà con làm ra sản phẩm thì cũng phải tính đến đầu ra, không thể để dân sản xuất rồi ‘muốn bán đâu thì bán’, hoặc không bán được thì đành chịu lỗ,” ông Tuấn thẳng thắn chỉ rõ.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng với cán bộ địa phương

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng với cán bộ địa phương

Quan tâm thiết thực đến đời sống nhân dân vùng biên

Trong khuôn khổ chuyến công tác ngày 9/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đã đến thăm, làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (xã Ia Dom); dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Cơ; thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ia Dom.

Chuyến đi thể hiện rõ tinh thần “chính quyền gần dân” của lãnh đạo tỉnh Gia Lai - không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, thiết thực, nhằm lắng nghe, thấu hiểu và cùng tìm lời giải cho những vấn đề của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Lê Quang Hồi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-ubnd-tinh-gia-lai-chinh-quyen-hai-cap-phai-lam-cho-dan-bot-kho-bot-xa-a29421.html