Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu: Chuyển đổi năng lượng công bằng mở ra mô hình tăng trưởng mới, bền vững
Tại buổi tọa đàm khoa học chiều 11/4, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng công bằng mở ra mô hình tăng trưởng mới, bền vững.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi năng lượng công bằng”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng công bằng mở ra mô hình tăng trưởng mới, bền vững
Buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi năng lượng công bằng” tại Trường Chính trị tỉnh, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức.
Đây là lần đầu tiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm về vấn đề này. Hải Dương là tỉnh thứ 2 sau Hưng Yên tổ chức tọa đàm.
Dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Thu, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Cùng dự có đại diện Viện Lãnh đạo và Hành chính công, Vụ Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), UNDP Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

"Chuyển đổi năng lượng công bằng" là vấn đề lần đầu tiên được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tọa đàm, Hải Dương là địa phương thứ 2 tổ chức
Chuyển đổi năng lượng công bằng mở ra mô hình tăng trưởng mới, bền vững
“Chuyển đổi năng lượng công bằng” là thuật ngữ mô tả quá trình chuyển dịch từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, góp phần hình thành nền kinh tế ít carbon, bền vững với môi trường.
Mục tiêu chính của quá trình này là giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, song cũng tập trung vào việc bảo vệ người lao động, cộng đồng và nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển với sự chuyển mình mạnh mẽ. Hiện nay, phát triển kinh tế không còn chỉ dừng lại ở tốc độ tăng trưởng, mà đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ với yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng xã hội, hướng tới một tương lai an toàn, thịnh vượng bền vững cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trước yêu cầu đó, tỉnh Hải Dương xác định phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng công bằng là định hướng phát triển mang tính căn bản, mở ra cơ hội để định hình mô hình tăng trưởng mới, bền vững, có trách nhiệm hơn với tương lai.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm
Để cụ thể hóa định hướng này, ngày 23/9/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 165/KH - UBND về việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2022 – 2025.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sản xuất bền vững; góp phần hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh từng bước tiếp cận, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Bước đầu, Hải Dương đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tỉnh đang tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng giảm phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Hải Dương đã và đang phát triển các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh, hạ tầng hiện đại, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và các chuỗi giá trị sản xuất khép kín. Với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Hương Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu làm rõ một số nội dung tại buổi tọa đàm
Điển hình là một số doanh nghiệp, mô hình, khu đô thị như Công ty CP Nhựa An Phát Xanh; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn Haengsung Electronics (Hàn Quốc); Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại; khu đô thị sinh thái EcoRivers Hải Dương; mô hình lúa – rươi – cáy tại huyện Tứ Kỳ…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh buổi tọa đàm là dịp quan trọng để cùng nhìn nhận, đánh giá những kết quả bước đầu đã đạt được, đồng thời thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng.
Vạch thách thức, sẵn sàng cho chuyển đổi xanh
Tại buổi tọa đàm, ông Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định thời gian qua, Hải Dương “rất sẵn sàng” trong thực hiện các cam kết về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế bền vững, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng.
Sự gia tăng các tiêu chuẩn xanh, yêu cầu đầu tư vào công nghệ sạch hay thay đổi mô hình sản xuất có thể khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thích ứng, thậm chí có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Người lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất than, xi măng, dệt may… có thể đối mặt với nguy cơ mất việc làm nếu không có sự hỗ trợ phù hợp. Trong thời gian gần đây, những nguy cơ này ngày càng hiện rõ.

Chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại buổi tọa đàm
Hành trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều gian nan, đặc biệt đối với khối SME, vốn chiếm đại đa số trong cơ cấu kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế về nguồn lực, công nghệ và thị trường, thì SME lại đang đối mặt với hàng loạt rào cản.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nhựa An Phát Xanh cho rằng thách thức lớn nhất là tài chính. Đầu tư vào công nghệ xanh, dây chuyền sản xuất hiện đại, hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn, hay đặc biệt là nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới thân thiện môi trường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thường là đầu tư dài hạn và có độ rủi ro cao.
Ngoài ra, một số vấn đề như năng lực đổi mới sáng tạo và công nghệ; nhận thức, thông tin và năng lực tiếp cận chính sách; sự đồng bộ và thực thi chính sách cũng là thách thức đối với doanh nghiệp nói chung, nhóm SME nói riêng trong chuyển đổi năng lượng công bằng.

Đại diện lãnh đạo Công ty CP Nhựa An Phát Xanh nêu một số khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi năng lượng công bằng
Để quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả cần các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi thực chất, thủ tục tiếp cận đơn giản hóa, linh hoạt hơn. Nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư mạo hiểm cho các dự án xanh, cơ chế chia sẻ rủi ro và các chính sách ưu đãi thuế, phí cụ thể cho việc đầu tư công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm xanh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nhựa An Phát Xanh nêu đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi năng lượng công bằng
Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin công nghệ, kết nối với các chuyên gia, viện nghiên cứu. Có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu và phát triển, nhất là về công nghệ, vật liệu xanh. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh cấp vùng, quốc gia để hỗ trợ kỹ thuật, thử nghiệm cho doanh nghiệp.
Xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn xanh rõ ràng, cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực để doanh nghiệp có cơ sở phấn đấu. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và dễ tiếp cận về các chính sách hỗ trợ. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, tiếp cận hỗ trợ cho dự án xanh. Thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.
Tại phần thảo luận, các đại biểu đã nêu một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi năng lượng công bằng, như vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp; cơ chế tín dụng xanh, trái phiếu xanh; vấn đề tiếp cận thông tin, chính sách; tận dụng phế phẩm trong sản xuất, chăn nuôi; bảo vệ môi trường tại các khu vực phát triển liên kết vùng…
Sáng cùng ngày, cũng tại Trường Chính trị tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tập huấn về chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Trước đó, chiều 10/4, Ban Tổ chức lớp tập huấn; đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Văn phòng UBND tỉnh); Trường Chính trị tỉnh đã có buổi khảo sát thực tế về chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường tại Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (Nam Sách).