Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Sáp nhập vào Đà Nẵng tạo không gian phát triển mới

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chia sẻ với Báo Pháp Luật TP.HCM những trăn trở, đề xuất cũng như kỳ vọng về sự phát triển khi Quảng Nam và Đà Nẵng 'về chung một nhà'.

Vài tháng nữa, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính (ĐVHC) mới, lấy tên là TP Đà Nẵng, trung tâm hành chính (TTHC) đặt tại TP Đà Nẵng hiện nay.

Ông Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ với PV Báo Pháp Luật TP.HCM nhiều vấn đề để khi Quảng Nam và Đà Nẵng "về chung một nhà" phát triển như kỳ vọng.

 Ông Lê Văn Dũng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Văn Dũng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Để Tam Kỳ phát triển đồng bộ

. Phóng viên: Khi sáp nhập Quảng Nam và TP Đà Nẵng, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đặt ra trong câu chuyện phát triển. Ông có những trăn trở gì về điều này?.

 Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam rộng hàng ngàn mét vuông, tọa lạc ở vị trí bốn mặt tiền trung tâm TP Tam Kỳ.

Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam rộng hàng ngàn mét vuông, tọa lạc ở vị trí bốn mặt tiền trung tâm TP Tam Kỳ.

+ Ông Lê Văn Dũng: Qua 28 năm tách Quảng Nam và Đà Nẵng thành hai ĐVHC trực thuộc trung ương thì cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều phát triển rất tốt. Bây giờ dư địa phát triển của TP Đà Nẵng không còn nhiều, trong khi Quảng Nam thì rộng mở. Cho nên, quyết định sáp nhập Quảng Nam với TP Đà Nẵng thành ĐVHC mới là chủ trương đúng, tạo không gian phát triển.

Hiện nay, TP Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, sầm uất. Trong khi đó, dù có nhiều dư địa, nhưng tốc độ phát triển đô thị ở Quảng Nam vẫn còn chậm. Khi sáp nhập, TTHC mới đặt tại Đà Nẵng sẽ có hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức phải đến TTHC mới làm việc. Vì vậy TP Tam Kỳ sẽ ít người hơn, một số cơ quan công sở của Quảng Nam ở Tam Kỳ đã xây dựng rất bề thế, đồ sộ có thể bị bỏ trống.

Trong phát triển đô thị, con người đóng vai trò then chốt, dân số phải đông, nếu ít thì đô thị dễ bị 'teo' lại. Chính vì thế mà tôi rất trăn trở về điều này.

 Một góc TP Tam Kỳ hiện nay.

Một góc TP Tam Kỳ hiện nay.

Quảng Nam có thể nói là phát triển, nhưng khu vực miền núi của tỉnh chưa theo kịp. Diện tích miền núi chiếm hơn 50% của cả tỉnh, dân số miền núi, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cần nhiều chủ trương lớn tập trung cho phát triển miền núi.

Đội ngũ cán bộ của tỉnh hiện nay đã ổn định cuộc sống ở TP Tam Kỳ. Bây giờ ra làm việc ở Đà Nẵng, chuyện ăn ở, đi lại, học hành của con cái sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu. Nhiều anh chị em trăn trở muốn ở lại Tam Kỳ, hoặc một số địa phương lân cận. Đây cũng là áp lực lớn cho địa phương.

 Tuyến đường Võ Chí Công nối Đà Nẵng - Chu Lai tại khu vực phía Đông.

Tuyến đường Võ Chí Công nối Đà Nẵng - Chu Lai tại khu vực phía Đông.

Đưa các dự án lớn vào phía nam TP Đà Nẵng mới

+ Ông đã đề xuất gì khi 2 tỉnh, thành sáp nhập làm một?

+ Từ trăn trở, tôi đã đề xuất ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC và Ban Thường vụ 2 tỉnh, thành nhiều lần tại các hội nghị.

Thứ nhất, nên tính toán quy hoạch, phát triển đô thị vào phía Nam của TP Đà Nẵng mới. Ví dụ, đô thị vùng đông Thăng Bình, Đô thị Duy Hải – Duy Nghĩa. Nơi đây không gian còn rất lớn, rất thuận tiện xây dựng đô thị phát triển trong tương lai.

Cùng với đó là tập trung cho đô thị Tam Kỳ và đô thị Núi Thành. Dọc tuyến biển từ Đà Nẵng hiện nay vào Núi Thành phải hình thành các khu đô thị động lực, thông minh thì TP mới sau này mới phát triển đồng đều.

Thứ hai, nên đề nghị Bộ GD&ĐT và trung ương điều chỉnh quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng vào Tam Kỳ thay vì ở quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) như hiện nay.

Tôi cho rằng chọn TP Tam Kỳ làm nơi để xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng là hoàn toàn hợp lý và đủ điều kiện. Một số trường Đại học và cao đẳng hiện nay nên di chuyển vào Tam Kỳ và vùng Đông Thăng Bình vừa thuận lợi, vừa tốt cho sự phát triển. Việc sinh viên chuyển vào khu vực này sẽ giảm chi phí ăn ở, sinh hoạt… tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên các nơi về học tập.

 Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng làm việc với Quảng Nam, thống nhất chủ trương nhiều dự án quan trọng tại phía Nam của tỉnh.

Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng làm việc với Quảng Nam, thống nhất chủ trương nhiều dự án quan trọng tại phía Nam của tỉnh.

Thứ ba, hiện TP Đà Nẵng có nhiều cơ chế đặc thù của Trung ương. Tôi nghĩ khi nhập lại, TP Đà Nẵng mới sẽ tiếp tục được hưởng các cơ chế Trung ương đã ban hành cho Đà Nẵng cũ. Ví như Khu thương mại tự do Đà Nẵng nên nghiên cứu đặt tại Núi Thành, bởi vì nơi đây có Sân bay Chu Lai, Cảng Kỳ Hà. Đặt khu thương mại tự do ở đây là hoàn toàn hợp lý.

Thứ tư, sau này lãnh đạo TP mới nên xây dựng đề án, dành nguồn lực lớn để thực hiện chủ trương sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống cho đồng bào miền núi. Sắp xếp dân cư một cách bài bản để phòng chống sạt lở. Quảng Nam đã và đang suy nghĩ việc này, nhưng chưa đủ thời gian để thực hiện.

Một đề án lớn nữa là hiện nay, bà con ngư dân dọc các xã tuyến biển của Quảng Nam từ Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành đang thực hiện chủ trương cấm đánh bắt giã (lưới) cào hủy diệt nguồn thủy hải sản để chung tay gỡ thẻ vàng IUU. Tôi nghĩ rằng trung ương ủng hộ cho TP sau này xây dựng đề án chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ bà con ngư dân nuôi trồng.

 Chủ tịch Quảng Nam mong muốn có chính sách hỗ trợ bà con ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.

Chủ tịch Quảng Nam mong muốn có chính sách hỗ trợ bà con ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.

. Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, khi sáp nhập lại thì TP Đà Nẵng mới phát triển, tất nhiên Tam Kỳ cũng sẽ phát triển theo?.

+ Tam Kỳ muốn phát triển phải cần có các điều kiện. Đô thị muốn phát triển phải đảm bảo các điều kiện cơ sở hạ tầng thật tốt, đồng bộ. Đặc biệt là hạ tầng giao thông, nước sạch, phòng chống ngập lụt, hạ tầng xã hội bảo đảm…

Một trong những điều hết sức quan trọng, có tính tiên quyết là dân số phải đông, đảm bảo cho đô thị phát triển. Nếu đô thị mà mật độ dân số quá thưa thớt thì không thể trở thành đô thị được...

. Có đánh giá là TP Tam Kỳ phát triển chưa xứng tầm, ông có thấy như vậy?

+ Đúng là như vậy! TP Tam Kỳ là đô thị loại 2 nhưng dân số vẫn còn thưa thớt, hạ tầng đô thị nghèo nàn, chưa đủ điều kiện để tập trung xây dựng.

Đây là những tiêu chí hết sức quan trọng trong một đô thị bình thường để phát triển chứ chưa nói là đô thị trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh. UBND tỉnh cũng có nhiều chương trình, dự án nhưng chưa đủ thời gian để làm.

Có thể nói TP Tam Kỳ chưa xứng tầm với đô thị tỉnh lỵ, chưa xứng tầm đô thị loại 2, chưa sầm uất như kỳ vọng!

Nhiều nhà đầu tư tin tưởng

. Trước đây chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, ông từng chia sẻ nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào vùng Đông Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Sau khi có thông tin sáp nhập tỉnh, có doanh nghiệp nào chùn bước?.

+ Hiện nhiều nhà đầu tư lớn kỳ vọng không gian thoáng mở của Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, họ rất tin tưởng cơ hội đầu tư phát triển. Dưới sự điều hành của lãnh đạo TP mới sau này, nhiều nhà đầu tư tin tưởng rằng những trung tâm thương mại hoặc những công trình lớn sẽ mở rộng trong phía Nam. Chính vì vậy, họ rất kỳ vọng có điều kiện phát triển và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào đây.

 Thaco đang đầu tư mạnh tại Quảng Nam với các dự án lớn.

Thaco đang đầu tư mạnh tại Quảng Nam với các dự án lớn.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang khởi động các dự án lớn như Sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà… Đây là cơ hội rất lớn, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, nếu vừa có sân bay Quốc tế Chu Lai, có cảng lớn thì chắc chắn kinh tế phát triển. Mà khi kinh tế phát triển chắc chắn đô thị phát triển, dân số đông lên.

Hiện nay có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, đang nghiên cứu đầu tư dự án lớn tại Quảng Nam.

Tập đoàn Karcher của Đức đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch, giai đoạn 2 hơn 100 triệu USD; khu nghỉ dưỡng Hoiana đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 khoảng 1 tỉ USD, giai đoạn 3 để đạt tổng vốn 4 tỉ USD như cam kết; các dự án lớn của Thaco như: dự án nông nghiệp công nghệ cao 450ha, dự án mở rộng Thaco ô tô 115ha, dự án đầu tư nạo vét luồng cảng Kỳ Hà với tàu 3 vạn tấn, tiếp tục đề xuất đầu tư nạo vét luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn...

Hay đô thị Chu Lai thì Thaco cũng đang nghiên cứu đề xuất với tỉnh nhiều lần đầu tư để sau này, có thể công nhân của Thaco không phải di chuyển xa từ các nơi về Chu Lai. Nếu có đô thị Chu Lai rồi thì công nhân sẽ định cư tại đó lâu dài.

 Nhiều tập đoàn lớn cam kết đầu tư vào Quảng Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm làm việc với Tập đoàn Hyosung.

Nhiều tập đoàn lớn cam kết đầu tư vào Quảng Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm làm việc với Tập đoàn Hyosung.

Các nhà đầu tư đón nhận sự kiện sáp nhập tỉnh lần này theo hướng tích cực. Tỉnh đã đồng hành thực sự với các nhà đầu tư. Chẳng hạn về cơ chế, thủ tục, Quảng Nam đang chỉ đạo làm rất nhanh, có những dự án trước đây là 2-3 năm mới xong thì bây giờ thủ tục chỉ còn 2 tháng. Điều này làm các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Quảng Nam.

Kỳ vọng một đô thị Tam Kỳ sầm uất

"Tôi mong muốn rằng lãnh đạo TP Đà Nẵng mới quan tâm, tiếp tục xây dựng để Tam Kỳ phát triển thành đô thị sầm uất ở phía nam của TP, tạo sự đồng đều về phát triển đô thị.

Ngoài ra, tôi cho rằng trước mắt thời gian đầu thì Trung tâm hành chính đặt tại TP Đà Nẵng sau khi sáp nhập, nhưng về tương lai thì nên định hướng xây dựng tại vùng đông Thăng Bình. Ở đây rất thuận lợi về nhiều thứ"- Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

TRƯƠNG THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-ubnd-tinh-quang-nam-sap-nhap-vao-da-nang-tao-khong-gian-phat-trien-moi-post847502.html