Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp Tổng lãnh sự và các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc
Tại buổi đón tiếp, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM khẳng định, tỉnh Sóc Trăng rất có sức hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Sóc Trăng có sức hút đầu tư rất lớn với doanh nghiệp Trung Quốc”
Chiều 19/3, tại trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có buổi tiếp đón ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM và các doanh nghiệp Trung Quốc. Tham dự tiếp đoàn công tác của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM còn có lãnh đạo các Sở, ngành trực thuộc tỉnh, TS.Trần Khắc Tâm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và một số doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Trao đổi tại buổi tiếp đón, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM bày tỏ: “Tôi rất vui mừng khi đến thăm tỉnh Sóc Trăng. Dù đây là lần đầu tiên đến đây nhưng tôi thấy Sóc Trăng là mảnh rất thú vị và vô cùng gần gũi. Tôi xin nói rằng, gạo ST25 của Sóc Trăng là loại gạo mà chúng tôi trưng bày tại trụ sở Lãnh sự quán tại TP.HCM và chúng tôi cũng dùng hàng ngày. Điều khiến tôi rất háo hức là gạo ST25 đã 2 lần được công bố là gạo ngon nhất thế giới”.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường nói thêm, ngoài gạo ST25, tỉnh Sóc Trăng cũng nổi tiếng với nhiều loại nông sản khác. Đây là điều mà TS Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã giới thiệu cho ông và các doanh nghiệp rất nhiều lần.
“Tôi đã làm việc với các doanh nghiệp ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), một tỉnh có nông nghiệp rất mạnh. Vì thế, hôm nay, các doanh nghiệp Sơn Đông sang đây để có hội tiếp xúc, hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Sóc Trăng rất có sức hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Trung Quốc ”, ông Ngụy Hoa Tường nói.
Ông Ngụy Hoa Tường cũng chia sẻ, ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc rất mong muốn học cách cải thiện các vùng đất ngập mặt để có thể phát triển các giống lúa chất lượng như Sóc Trăng đã làm.
Phát biểu tại buổi tiếp đón, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã tiếp 5 Tổng lãnh sự quán các nước. Và đầu năm nay, tỉnh Sóc Trăng rất vui mừng khi tiếp Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM và các doanh nghiệp Trung Quốc đến địa phương.
Theo ông Trần Văn Lâu, Sóc Trăng có thế mạnh là nông nghiệp và kinh tế chủ đạo là nông nghiệp. Năm 2023, tổng sản lượng lúa trên 2 triệu tấn; thủy sản trên 375.000 tấn. Mặc dù trong hoàn cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, Sóc Trăng vẫn đạt tăng trưởng GDP đạt 5,77%; Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) trên 72 ngàn tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 500 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu gạo trên 410 triệu USD. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người còn khá khiêm tốn. Tại Sóc Trăng, tình hình quốc phòng an ninh và tình hình trật tự an ninh xã hội luôn đảm bảo.
“Tỉnh Sóc Trăng luôn có các chính sách ưu tiên, quan tâm đối với các đồng bào dân tộc thiểu số như Khơ me, Hoa. Người Hoa tại Sóc Trăng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Về định hướng phát triển, ông Trần Văn Lâu cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Sóc Trăng đã đề ra phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp dịch vụ, đô thị và logistics. Điều thuận lợi là tỉnh Sóc Trăng đã được Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch của tỉnh. Bên cạnh đó, trong quy hoạch cảng biển của ĐBSCL, Sóc Trăng có cảng Trần Đề, cách đất liền khoảng 20 km. Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến, lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi.
Về hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, tỉnh đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, như dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục đầu tư dự án cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng qua Trà Vinh tới TP.HCM và tuyến đường Quốc lộ 91B (Nam Sông Hậu)…Trên địa bàn tỉnh có 5 quốc lộ đi qua.
“Về hạ tầng giao thông, khi hoàn thành sẽ kết nối với toàn vùng, rất thuận tiện để giao thương qua đường bộ, đường biển và đường sông. Sóc Trăng có sông Hậu để giao thương với Campuchia bằng đường thủy”, ông Trần Văn Lâu bày tỏ.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng, quy hoạch đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ có 5 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp. Tính đến thời điểm này, một khu công nghiệp đã lấp đầy, còn khu công nghiệp Trần Đề đang được đầu tư hạ tầng.
Về giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc, tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 4 dự án FDI của Trung Quốc, với tổng vốn đăng ký trên 16 nghìn tỷ đồng (tương đương 150,6 triệu USD). Trong đó, có 3 dự án ngoài khu công nghiệp (trại sản xuất giống thủy sản, 2 nhà máy điện gió) và 1 dự án trong khu công nghiệp (nhà máy sản xuất giày).
Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có thêm các dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại tỉnh. Ông Lâu khẳng định, tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ các dự án của Trung Quốc trên địa bàn Sóc Trăng.
Cơ hội lớn để kết nối giao thương
Ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của gạo ST25 cho biết, Sóc Trăng có 2 loại gạo ngon được xếp hạng thế giới là ST24 và ST25. Chúng tôi đang phát triển 2 giống lúa này không chỉ trên địa bàn Sóc Trăng mà còn ở thêm các tỉnh khác. “Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm đến mua gạo ST24 và ST25. Tuy nhiên, lượng thu mua tập trung ở Cái Bè, Tiền Giang, bởi các doanh nghiệp chế biến ở Sóc Trăng rất ít. Sóc Trăng chủ yếu chế biến xuất sang Philippines”, ông Hồ Quang Cua nói.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, hiện nay, Sóc Trăng chủ yếu phát triển kinh tế dựa trên nông nghiệp. Trong nông nghiệp thì gạo và con tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo. Sản lượng xuất khẩu tôm của Sóc Trăng chiếm ¼ sản lượng cả nước.
Ông Lực đánh giá, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc rất lớn, khi hàng năm có thể nhập khẩu cả hàng triệu tấn tôm. Vị này mong muốn trong cuộc gặp, kết nối này, Công ty Sao Ta sẽ tìm thêm được các đối tác để xuất khẩu tôm sang Trung Quốc. Bởi Việt Nam vẫn có những sản phẩm từ tôm đáp ứng được thi hiếu của thị trường Trung Quốc.
“Đây là cơ hội lớn cho tất cả các doanh nghiệp Sóc Trăng có thể kết nối giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Hồ Quốc Lực khẳng định.
Trao đổi tại buổi tiếp đón, đại diện một doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, trên đường tới Sóc Trăng, ông có trao đổi với một doanh nghiệp nuôi gia cầm có tổng giá trị khoảng 20 tỉ USD tại Trung Quốc. Doanh nghiệp này nói, trong giai đoạn đầu, họ muốn đầu tư một khuôn viên rộng khoảng 7ha để nuôi gia cầm. Tuy nhiên, điều họ thắc mắc là đất của Sóc Trăng có phù hợp nuôi gia cầm không và gia cầm giống của Trung Quốc có thể nhập khẩu vào Việt Nam hay không?
Đại diện tập đoàn xây dựng Trung Quốc cho biết, diện tích tập đoàn đã và đang thi công tại Việt Nam là 8 triệu m2; 70 cây cầu; 5 nhà máy điện. Đặc biệt, tại TP.HCM, tập đoàn tham gia vào xây dựng khu Phú Mỹ Hưng. “Hôm nay, tôi rất vui đến tỉnh Sóc Trăng và rất muốn đóng góp trong quá trình đầu tư xây dựng đô thị của Sóc Trăng”, vị này bày tỏ.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông chia sẻ, Hiệp hội rất mong kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng để có thể hợp tác giao thương trong việc sản xuất, chế biển nông sản, thủy sản. Bởi trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông rất nhiều doanh nghiệp có thế mạnh, kinh nghiệm về nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.
Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông cũng có nhiều doanh nghiệp có thế mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời. Các doanh nghiệp này rất mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Sóc Trăng.
Đại diện Tập đoàn COSCO, một tập đoàn cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và hậu cần, sở hữu hãng tàu lớn nhất Trung Quốc chia sẻ cũng rất muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Giang Tô cho biết, các tập đoàn trực thuộc hiệp hội rất quan tâm đến các dự án đốt rác phát điện tại Sóc Trăng.
Phát biểu bế mạc buổi đón tiếp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, ông rất vui mừng khi các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đánh giá Sóc Trăng là nơi có tiềm năng lớn để đầu tư. Việc tiếp xúc với các doanh nghiệp, tập đoàn của Trung Quốc cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Sóc Trăng có thể học hỏi thêm về mô hình, kinh nghiệm phát triển.