Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Giao sự tự chủ giúp thanh niên nâng cao năng lực, danh dự
Tại hội nghị đối thoại với đoàn viên thanh niên Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, khi đã trở thành thanh niên, người trẻ là những cá nhân độc lập, tự chủ. Nhiều quốc gia trên thế giới, 18 tuổi thì không còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình, hoàn toàn có thể tự chủ trong vay và trả vốn. Cần phải giao sự tự chủ cho thanh niên để giúp thanh niên nâng cao năng lực, danh dự của mình.
Chiều 29/6, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với đoàn viên, thanh niên Thủ đô với chủ đề "Thanh niên Thành phố Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số".
Dự chương trình có Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội Vụ Hoàng Quốc Long.
Cùng dự có lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Đoàn Thanh niên, Hội LHTN, Hội Sinh viên, Hội Đồng đội TP; và hơn 2.000 đoàn viên thanh niên đại diện cho gần 3 triệu thanh niên Thủ đô.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh với đoàn viên, thanh niên Thủ đô với chủ đề "Thanh niên thành phố Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số" là sự kiện chính trị quan trọng, là diễn đàn để đánh giá kết quả triển khai các chính sách đối với thanh niên theo quy định của Luật Thanh niên và các chính sách về thanh niên của Hà Nội.
Qua hội nghị, lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, từ đó kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách, các chương trình, đề án, quy định của pháp luật đối với thanh niên.
Hội nghị đối thoại tập trung trao đổi 4 nội dung chính, gồm: tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cải cách hành chính liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ công, chế độ chính sách cho cán bộ Đoàn; chuyển đổi số ứng dụng trong doanh nghiệp và sự tham gia của thanh niên trong chuyển đổi số trong giảng dạy, phát triển công nghiệp văn hóa.
Cần giao sự tự chủ cho thanh niên
Tại hội nghị đối thoại, anh Trần Tuấn Dương - Bí thư Đoàn Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bày tỏ sự quan tâm đến chính sách việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên và đào tạo lại cho lao động phổ thông để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho lực lượng lao động Thủ đô, trong bối cảnh bùng nổ việc ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất.
Trao đổi vấn đề này, bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, Hà Nội đang triển khai chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho 6 nhóm đối tượng. Cụ thể, hỗ trợ đào tạo nghề dưới 3 tháng cho thanh niên nông thôn, trong đó có hỗ trợ tiền ăn, đi lại. Hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh THPT khi chuyển sang học nghề; hỗ trợ các đối tượng sau thi hành án trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng.
Theo bà Hương, Thành phố có kế hoạch căn cơ cho từng năm, dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề đào tạo, tạo việc làm cho thanh niên và thông tin về các đơn vị, trong đó có Thành Đoàn Hà Nội dành nhiều tâm huyết, quan tâm đối với vấn đề việc làm cho thanh niên.
Anh Nguyễn Văn Biển - Bí thư Đoàn xã Cao Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) trăn trở trước thực tế nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn đi học, xuất khẩu lao động, tuy nhiên theo quy định họ phải thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, dẫn đến việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Biển đề xuất Thành phố nghiên cứu ban hành các chính sách mới cho nhu cầu ngày càng tăng này của thanh niên.
Về nội dung này, ông Phạm Văn Quyết - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Hà Nội cho biết, nhu cầu vay vốn đi học và vay vốn xuất khẩu lao động của thanh niên rất lớn. Đáp ứng nhu cầu này của thanh niên, thành phố đã thực hiện cơ chế cho vay theo quy định của Trung ương, chủ yếu là phục vụ các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, trong thời gian vừa qua, việc triển khai hai chương trình này trên địa bàn thành phố Hà Nội đang giảm dần dư nợ. Dư nợ các chương trình này rất thấp, hiện chương trình hỗ trợ cho vay học sinh sinh viên là 447 tỷ cho hơn 500 học sinh, trong tổng cho vay chung của toàn thành phố là hơn 13 nghìn tỷ. Chương trình cho vay đi xuất khẩu lao động còn thấp hơn nữa.
Ngân hàng Chính sách Hà Nội phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan triển khai các chương trình, cơ chế cho vay áp dụng theo đúng quy định từ Trung ương, cho vay đúng đối tượng cần giải quyết việc làm.
Theo Quyết định 26, là đối tượng mở, chúng ta vẫn có cách sửa đổi cơ chế cho vay, đề nghị UBND thành phố giao cho các sở để cùng nghiên cứu, rà soát các nhu cầu, đối tượng, có thể mở rộng hơn, có thể là thanh niên thông thường không phải hộ nghèo cũng được tiếp cận; bổ sung thêm nguồn vốn để có cơ sở triển khai cho vay để người dân, đoàn viên, thanh niên được tiếp cận tốt hơn nữa.
Trao đổi về nội dung trao đổi, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố cho rằng cần có sự nhận biết rõ hơn nữa về tuổi vị thành niên và thanh niên. Khi đã trở thành thanh niên, người trẻ là những cá nhân độc lập, tự chủ. Nhiều quốc gia trên thế giới, 18 tuổi không còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình, hoàn toàn có thể tự chủ trong vay và trả vốn.
Phải giao sự tự chủ cho thanh niên để giúp thanh niên nâng cao năng lực, danh dự của mình", ông Thanh bày tỏ.
Khuyến khích thanh niên kinh doanh
Chị Đàm Mỹ Phượng - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặt câu hỏi liên quan đến định hướng của thành phố đối với xu hướng livestreamer bán hàng trực tuyến để trở thành một nghề "chính thống" và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Về nội dung này, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, kinh doanh bán hàng online là một hình thức kinh doanh thương mại điện tử và được pháp luật Việt Nam công nhận. Ngành kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất tốt, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ vào doanh thu dịch vụ của Hà Nội. Chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc.
Bà Lan lưu ý, các bạn trẻ khi kinh doanh thương mại điện tử cần phải chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước. Trước hết, các bạn cần được cấp phép theo Nghị định 72 của Chính phủ về thông tin truyền thông, sau đó phải đăng kí website bán hàng và đăng kí kê khai thuế theo quy định của pháp luật.
Theo bà Lan, Hà Nội hiện có nhiều chương trình hỗ trợ trong kinh doanh thương mại điện tử. Đơn cử, Sở Công Thương thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, các sự kiện kết nối giao thương hàng hóa giữa doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các chương trình giao thương sản phẩm OCOP. Sở NN&PTNT cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn livestream, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế.
Về nội dung này, ông Nguyễn Anh Dũng - Cục Phó Cục Thuế Hà Nội cho biết, thời gian qua, UBND Thành phố giao cho Cục thuế chủ trì liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử. Cục thuế luôn chú trọng tuyên truyền người thuế biết tự nguyện nộp thuế vào ngân sách Nhà nước; phối hợp với các cơ quan liên quan để thu thập thông tin người nộp thuế, có định hướng khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu. Trong đó, đóng góp của các cá nhân 3 đầu năm 2023 là 215 tỷ đồng.
Trao đổi thêm, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khuyến khích các bạn trẻ kinh doanh, song cần phải đúng quy định pháp luật; tự nguyện kê khai, nộp thuế... Mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không kể thanh niên hay không. "Cơ quan thuế đi truy thu thuế thì không có tên của thanh niên", ông Thanh bày tỏ. Ông Thanh mong muốn tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp phát động trong thanh niên, Bí thư Đoàn tham gia quảng bá, bán được sản phẩm OCOP của địa phương.
Chính sách, cơ chế thu hút nhân tài
Chị Hứa Thanh Hoa - Bí thư Đoàn Thanh niên ĐHQG Hà Nội đề cập đến cơ chế, chính sách đãi ngộ tài năng trẻ, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao của Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, trong mỗi giai đoạn phát triển, Thành phố luôn quan tâm đến việc phát triển nhân lực. Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố đã xác định, việc phát triển nguồn nhân lực trẻ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Cùng với việc tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trong hơn 20 năm qua, Thành phố cũng thường xuyên có những chính sách để tuyển dụng và sử dụng công chức.
Về phía cơ quan chuyên môn, Sở Nội vụ sẵn sàng tiếp nhận các thủ khoa với nhiều vị trí việc làm tại các cơ quan Nhà nước. Thành phố cũng có những chính sách riêng hỗ trợ về lương đặc thù. Sau 2 năm về công tác tại cơ quan, ban ngành, đoàn thể, người lao động sẽ được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ và được hỗ trợ 100% kinh phí.
So với các khu vực khác, nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp đại học về làm việc khu vực công chưa nhiều. Mặc dù vậy, các thủ khoa, sinh viên xuất sắc không chỉ công tác tại cơ quan Nhà nước mà làm việc tại bất kỳ doanh nghiệp, ngành nghề hay lĩnh vực nào đều trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Thực tế thấy rằng nhiều bạn trẻ khi tốt nghiệp được tiếp nhận vào các cơ quan Nhà nước đều có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị.
Đoàn viên, thanh niên nói chung và các thủ khoa, sinh viên xuất sắc nói riêng sau khi tốt nghiệp, dù lựa chọn làm việc ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào đều đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của thành phố, đất nước. Vào mỗi thời điểm đóng góp đó sẽ phát huy những hiệu quả riêng, trở thành động lực để xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh nhấn mạnh.
Hội nghị cũng đã trao đổi liên quan đến vấn đề cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ số; cung cấp "vaccine" bảo vệ mình trên không gian số. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện Thành phố có gần 2.000 văn bản hành chính. Với số lượng văn bản lớn, Thành phố sẽ xây dựng “đại siêu thị” để công dân đến giao dịch, trong đó có các gian hàng lõi, mong các bạn thanh niên tiếp cận, tham góp ý kiến thêm.
“Bên cạnh đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị đạo đức con người tạo sự an toàn của mọi người trên mạng, thanh niên phải là lượng xung phong thực hiện tốt việc này. Về lĩnh vực thông tin xấu độc, thanh niên phải tự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ để chống lại nó”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nói.
Hành động làm chủ ngay từ bây giờ
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận đoàn viên, thanh niên đã chủ động, nhiệt huyết trong các phong trào hành động cách mạng; đồng thời nhấn mạnh các bạn trẻ phải xác định mình là những người làm chủ đề nước.
"Tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, từ lao động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, lực lượng vũ trang… người trẻ đều là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, người trẻ đừng chờ đợi và đừng nghĩ mình là chủ nhân trong tương lai, hãy hành động làm chủ ngay từ bây giờ", ông Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn được trao đổi, lắng nghe nhiều hơn ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người trẻ; cập nhật thông tin của thanh niên nhanh hơn, hiệu quả hơn trên tất cả lĩnh vực. Đoàn Thanh niên cần đổi mới phương thức hoạt động để thích hợp với thời kỳ công nghệ 4.0.
"Tôi mong Đoàn Thanh niên đổi mới phương thức hoạt động, làm sao thu hút được thanh niên nhiều nhất, đông nhất, làm được nhiều việc ý nghĩa nhất cho xã hội”, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết: Tại chương trình ý nghĩa này, thanh niên Thủ đô đã được đón nhận ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng, động viên, giao nhiệm vụ của Chủ tịch UBND Thành phố cùng những thông tin giải đáp, chia sẻ rất quý báu của lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố.
Đây là những định hướng quan trọng để thanh niên Thủ đô tự tin, mạnh dạn tham gia chủ động, hiệu quả vào công cuộc khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đây cũng chính là nguồn động viên, cổ vũ; là sự tin tưởng, mong chờ của lãnh đạo Thành phố đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại.