Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban chỉ huy phòng thủ dân sự

Trưởng ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã là chủ tịch UBND xã. Phó trưởng ban gồm: 1 phó chủ tịch xã và 3 phó trưởng ban là chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự, trưởng công an xã và trưởng phòng kinh tế hoặc kinh tế, hạ tầng và đô thị...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 200/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự, trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã.

Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã có nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy các lực lượng, phương tiện của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Lực lượng quân đội tổ chức diễn tập quân sự tại tỉnh Quảng Ninh

Lực lượng quân đội tổ chức diễn tập quân sự tại tỉnh Quảng Ninh

Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã do chủ tịch UBND xã thành lập, có chức năng tham mưu cho chủ tịch UBND tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý.

Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã có các nhiệm vụ tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý; tham mưu, đề xuất chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định ban bố, quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1. Tổ chức, chỉ huy các lực lượng, phương tiện của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tham mưu giúp chủ tịch UBND cấp xã quyết định các biện pháp cấp bách, huy động các nguồn lực theo thẩm quyền, tổ chức tiếp nhận và phân bố nguồn lực hỗ trợ, cứu trợ để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý. Thực hiện việc truyền tin, thông báo, báo động, triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của các cấp đến cộng đồng.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng thủ dân sự đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Tham mưu kiểm tra, đôn đốc tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong địa bàn quản lý.

Về cơ cấu tổ chức, trưởng ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã là chủ tịch UBND xã. Phó trưởng ban gồm: 1 phó chủ tịch xã và 3 phó trưởng ban là chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự, trưởng công an xã và trưởng phòng kinh tế hoặc kinh tế, hạ tầng và đô thị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai.

Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, chủ tịch UBND cấp xã mời đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể cấp xã tham gia Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã.

Cơ quan giúp việc ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã, UBND cấp xã giao phòng kinh tế hoặc phòng kinh tế, hạ tầng và đô thị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn và được cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ.

Nghị định 200 có hiệu lực từ 23/8/2025.

Đại tướng Phan Văn Giang lý giải công chức Ban chỉ huy quân sự xã không phải là sĩ quan

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho hay, Ban chỉ huy phòng thủ khu vực không phải là một cấp hành chính mà chỉ là một đơn vị trực thuộc. Các nhiệm vụ của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phải chia cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã và Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết công chức của Ban chỉ huy quân sự cấp xã chưa xác định đây là sĩ quan, nếu có tình huống sẽ cử sĩ quan của Ban chỉ huy phòng thủ khu vực xuống để giúp xã làm một số nhiệm vụ. Đó là, huấn luyện dân quân tự vệ, xây dựng phương án để xác định xã là pháo đài bảo vệ địa phương cấp xã...

Mỗi xã có khoảng 5-7 người trong Ban chỉ huy quân sự, nếu là sĩ quan thì với hơn 3.300 xã sau sáp nhập thì phải cần đến hơn 15.000 sĩ quan. Bộ trưởng khẳng định con số này không nhỏ nên trước mắt vẫn áp dụng "ngụ binh ư nông".

Thành Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-ubnd-xa-lam-truong-ban-chi-huy-phong-thu-dan-su-2420029.html