Chủ tịch Viettel: Tìm cách làm mới, thị trường mới để tạo tăng trưởng trung bình 2 con số trong giai đoạn mới
Năm 2024, Tập đoàn Viettel tăng trưởng 2 con số và có 3 năm tăng trưởng liên tục năm sau cao hơn năm trước. Điều gì sẽ diễn ra trong những năm kế tiếp?
Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Viettel năm 2024 là 190.000 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch, tăng trưởng 10,3% - mức tăng cao nhất ngành. Lợi nhuận trước thuế của Viettel cũng đạt mức kỷ lục 51.000 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch, tăng trưởng 11,3%. Tập đoàn này nộp ngân sách Nhà nước 42.600 tỷ đồng, tăng 12,3%.
Những con số ấn tượng tương tự liệu có tiếp tục trong những năm tiếp theo? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.
3 năm trở lại đây – liên tục đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và đến 2024 là tăng trưởng hai con số. Anh có thể cho biết những động lực gì đã tạo đà tăng trưởng của Viettel giai đoạn vừa qua?
Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên xuất phát từ bối cảnh môi trường chung. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ngành rất quan tâm, sát sao và quyết liệt trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc, mang lại sự tăng trưởng bền vững cho ngành.
Trong bối cảnh đó, Viettel là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Quân đội với sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số” nên các chính sách này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chúng tôi mở ra những không gian mới và đi nhanh hơn, xa hơn.
Thứ hai là sức mạnh từ con người. Năm 2024, tôi cảm nhận được động lực rất lớn của CBNV Viettel khi phấn đấu để lập thành tích chào mừng các sự kiện lớn như 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày thành lập Viettel… Có thể sau giai đoạn khó khăn, trầm lắng của Covid-19, CBNV Viettel phấn khởi, lạc quan hơn khi cuộc sống “bình thường mới” và có nhiều chuyển dịch mạnh mẽ và tích cực hơn.
Thứ ba là những thay đổi về quản trị trong nội bộ giúp cho việc vận hành và phát triển Viettel hiệu quả hơn.
Những kết quả này cũng có được là nhờ quá trình đầu tư, gây dựng của Viettel trong thời gian dài trước đây.
“Tăng trưởng 2 con số” trở thành mục tiêu, khát vọng của Việt Nam. Từ khóa này cũng đang là nội dung chủ đạo tại các cuộc thảo luận, các diễn đàn về phát triển kinh tế. Trong khi đó, năm 2024 đánh dấu thời điểm Viettel truyền cảm hứng cho xã hội với mức tăng trưởng 2 con số. Anh có thể lý giải những yếu tố đằng saumức tăng trưởng trên 10% năm vừa qua?
Trong năm 2024, yếu tố đặc biệt là viễn thông trong nước, bắt đầu quay lại đà tăng trưởng.
Còn yếu tố đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng là đầu tư ra nước ngoài. Các thị trường quốc tế của Viettel có năm thứ 8 tăng trưởng liên tục 2 con số và đóng góp tới 80% vào tăng trưởng chung của Tập đoàn Viettel. Trong năm, Movitel vươn lên dẫn đầu tại Mozambique, đưa Viettel giữ vị trí số 1 về thị phần tại 7 thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, logistics cũng là lĩnh vực tăng trưởng rất mạnh, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung. Trong năm 2024, Viettel đã ra mắt Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên ở Việt Nam, ứng dụng robot tự hành, và khai trương Công viên logistics đầu tiên tại Việt Nam ở Lạng Sơn. Đây sẽ là lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng của Viettel trong những năm tới.
Lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin và an ninh mạng tăng trưởng rất mạnh cũng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung. Riêng với an ninh mạng, ngoài việc có mức tăng trưởng doanh thu cao, việc vô địch thế giới lần thứ 2 liên tiếp tại Pwn2Own 2024 – cuộc thi uy tín nhất toàn cầu về an ninh mạng, giúp khẳng vị thế của Viettel trong lĩnh vực an ninh mạng Việt Nam và vươn tầm quốc tế.
Những kết quả này cũng có được là nhờ quá trình đầu tư từ sớm, quyết tâm thực hiện mục tiêu của Viettel trong thời gian dài từ trước đây.
Về động lực tăng trưởng, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các trụ đang có triển vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các cơ hội mở rộng ra thị trường quốc tế. Sắp tới, Viettel sẽ tái lập và đẩy mạnh hơn hoạt động tại Mỹ, mở các văn phòng đại diện ở Úc, Nhật Bản, UAE, Singapore… Ngoài việc đầu tư trực tiếp, chúng tôi còn tìm cơ hội hợp tác với các công ty công nghệ trên thế giới, hỗ trợ cho việc xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ của Viettel ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, Viettel cũng tìm kiếm thêm cơ hội trong mảng năng lượng mới, đây là lĩnh vực có doanh thu lớn những cũng cần đầu tư rất lớn và lâu dài.
Thực tế, để tạo ra một làn sóng tăng trưởng cao mới, Viettel đã phải thay đổi lớn từ bên trong và luôn luôn bắt đầu với công nghệ. Logistics – lĩnh vực mà Viettel tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành trong năm 2024 – bắt nguồn từ dịch vụ chuyển phát truyền thống trước đây, kết hợp với sự chuyển đổi về công nghệ tự động hóa logistics.
Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, chúng tôi cũng luôn kiên định với việc lựa chọn nghiên cứu và làm chủ những giải pháp tiên tiến, hiện đại, để khi thành công thì không chỉ có thị trường trong nước mà còn bước ra thế giới.
Hay như lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, đây là mảng có tăng trưởng rất cao có thể tính bằng lần nhưng quy mô doanh thu chưa lớn. Tuy nhiên, tác động mà nó đem lại với nhiều lĩnh vực khác của Viettel lại rất lớn, từ quản trị nội bộ, ra quyết định kinh doanh, phục vụ khách hàng đến vận hành hạ tầng viễn thông…
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo sẽ được xây dựng thành một trụ kinh doanh mới của Tập đoàn Viettel.
Một động lực quan trọng khác đến từ con người. Năm 2024, chúng tôi đã bổ nhiệm, giao nhiệm vụ mới cho nhân sự phù hợp với những việc khó, cần suy nghĩ mới, cách làm mới để tạo tăng trưởng đột phá.
Viettel là một tập đoàn công nghệ, không giống như các ngành sản xuất khác, doanh thu nghìn tỷ đã lớn mà mỗi năm lại tăng thêm cả tỷ đô là rất khó. Tuy nhiên, Viettel vẫn lấy đó làm mục tiêu để buộc phải tìm ra cách làm mới, tạo ra tăng trưởng cao ở những lĩnh vực có tiềm năng, góp phần tạo ra tăng trưởng bình quân 2 con số trong những năm tới.
Chiến lược của Viettel là trở thành “Tập đoàn công nghệ toàn cầu”. Viettel có gì khác biệt để có thể hiện thực hóa chiến lược này, cạnh tranh và thành công trên quy mô toàn cầu?
Viettel muốn mở không gian mới, muốn tăng trưởng vừa bền vững vừa đáng kể, đến mức bứt phá thì phải thực sự kinh doanh ở phạm vi toàn cầu.
Để làm được, tất nhiên con người của Viettel phải đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu về kiến thức, năng lực. Thế nhưng cán bộ nhân viên Viettel đi ra toàn cầu có điểm đặc biệt so với những công ty quốc tế khác là khả năng thích nghi cao với môi trường khác biệt và biến động, có thái độ tích cực và cống hiến hết mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chẳng hạn ở Haiti, thảm họa động đất khiến 1 đất nước đã nghèo lại càng nghèo hơn. Trong bối cảnh 80% cơ sở hạ tầng của đất nước bị phá hủy, người chết ở khắp nơi, dịch bệnh… các cán bộ nhân viên Viettel vẫn thích ứng với hoàn cảnh ở đó, xây dựng mạng lưới, kinh doanh và năm 2023 đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần.
Cán bộ nhân viên Viettel có thể thích nghi tốt với các hoàn cảnh vô cùng khó khăn, mạnh mẽ, lạc quan và không chùn bước thì Viettel mới thành công ở những thị trường khó khăn và khắc nghiệt như Haiti, Burundi, Myanmar… Đó là những điều các tập đoàn công nghệ khác không làm được.
Nhờ năng lực và tố chất ấy, Viettel tự tin cạnh tranh với những đối thủ hàng đầu thế giới, kiên trì từng bước vươn lên và đang giữ vị trí số 1 ở 7 thị trường nước ngoài.
Yếu tố khác biệt thứ hai mà một tập đoàn công nghệ toàn cầu như Viettel mang tới là tính nhân văn đến từ sự đồng cảm và thấu hiểu. “Ứng dụng kết nối các tổ chức phi chính phủ với người dân Burundi” của Lumitel (Viettel Burundi) là một ví dụ.
Đồng cảm và thấu hiểu những khó khăn, cơ cực cũng như sự mất mát của người tị nạn Burundi nên Lumitel đã tạo ra một ứng dụng để giúp các tổ chức phi chính phủ, từ thiện quốc tế dễ dàng tiếp cận để hỗ trợ nhóm người yếu thế.
Nền tảng ví điện tử Lumicash trong ứng dụng sẽ giúp chuyển các khoản tiền trợ cấp đến người dân minh bạch, đúng thời điểm. Ở đây, nếu thấu hiểu và thực sự mong muốn làm, chúng ta vẫn có thể dùng công nghệ để hỗ trợ hiệu quả cho người yếu thế dù ở một đất nước vẫn còn rất nghèo và lạc hậu.
Xin cảm ơn ông!