Chủ tịch Vinafood 1: Giá lúa có giảm nhưng nông dân vẫn lãi khoảng 60%

Theo Chủ tịch Vinafood 1, mặt bằng giá lúa giảm trong những ngày gần đây nhưng vẫn cao hơn vụ Đông Xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước. Với giá lúa hiện nay, người dân vẫn có lãi khoảng 60%.

Tại cuộc gặp với Thường trực Chính phủ, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho biết ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò chủ yếu của nền kinh tế, trong đó ngành hàng lúa gạo là điểm sáng, điều này đã được lượng hóa bằng con số xuất khẩu năm 2023 là 8,1 triệu tấn, đạt 4,67 tỷ USD, giá bình quân đạt 575 USD/1 tấn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).

Bước vào năm 2024, thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, sản lượng lúa dự kiến vẫn đạt 43 triệu tấn và sau khi dành cho tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực thì lượng dành cho xuất khẩu mục tiêu là 7,5 – 8 triệu tấn gạo.

Hiện nay là tháng 3/2024, vào chính vụ Đông Xuân, đây là vụ lớn nhất trong năm với số lượng thu hoạch khoảng 6 triệu tấn gạo, trong đó 3 triệu tấn dành cho xuất khẩu.

Theo bà Tâm, vừa qua có thông tin là giá lúa giảm khoảng 30% và các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống. Về vấn đề này, Chủ tịch Vinafood 1 cho rằng, do giá lúa gạo trong thời gian tăng cao liên lục trong quý III, IV/2023 sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ thì đã giảm từ giữa tháng 1/2024, mức giảm là từ trên 9.000 đồng/kg xuống 7.300 - 7.800/kg. Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn của vụ Đông Xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước.

"Phải khẳng định là giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến. Năm 2023 thì giá tăng đột biến và hiện nay thì giá giảm nhưng giảm trên nền giá cao trước đó", bà Tâm một lần nữa nhấn mạnh.

Đến thời gian hiện nay, Chủ tịch Vinafood 1 khẳng định, không những nông dân được mùa mà chúng ta lại được giá. Đây là thành công rất lớn và đây cũng là cả một quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chỉ đạo sát sao của Chính phủ.

Cũng theo bà Tâm, nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm như vừa qua là do hiện nay thu hoạch chính vụ, tất cả các cánh đồng đều thu hoạch, và các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm.

Cũng theo Chủ tịch Vinafood 1, lý do là vì năm ngoái, khi được giá thì các tỉnh đồng thời gieo hạt và nông dân rất phấn khởi, cho nên cùng triển khai. Hiện nay, tất cả vùng cùng thu hoạch một lúc thì nảy sinh sự ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa. Hơn nữa để thu mua được lượng 6 triệu gạo, phải chuẩn bị về tín dụng ngân hàng, chuẩn bị logistics nên sẽ ùn ứ, chậm hơn.

Đồng thời, hiện nay Thái Lan, Philippines, Indonesia cũng gặt, cũng thu hoạch vào đúng tháng 3-5. Bên cạnh đó, một số nước châu Phi, hiện nay đang tồn nhiều gạo. Philippines hiện tồn gạo với giá cao nên họ phải tiêu thụ ở trong nước trước, sau đó mới tiếp tục nhập khẩu.

Vừa qua, Tổng công ty Lương thực có chào hàng một số nhà nhập khẩu nhưng họ nói "sẽ nghiên cứu thêm và có thể trao đổi sau". Giá cả thị trường thế giới hiện nay đang có sự điều chỉnh. "Chúng ta chỉ chiếm 15-18% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới", bà Tâm nói.

Tháng 1 vừa qua Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn, tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao.

"Với giá như hiện nay thì báo cáo với Thủ tướng để Thủ tướng yên tâm là người nông dân hoàn toàn có lãi và rất phấn khởi, chắc chắn với giá này thì người nông dân vẫn tiếp tục tăng sản lượng", bà Tâm khẳng định.

Thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã dự báo là năm 2024 là năm tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo và các nhà nhập khẩu hiện nay vẫn tiếp tục có kế hoạch để triển khai.

Còn về việc tiêu thụ, bà Tâm thông tin: Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam đều thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn, theo đó tiếp tục mua và từ Tết đến nay đã được khoảng nửa triệu tấn gạo, mua liên tục ngày đêm và không có thời gian nghỉ, và khẳng định trong thời gian tới vẫn tiếp tục mua. Cũng thông tin thêm là hiện nay các kho của các công ty tư nhân cũng đang triển khai mua lúa gạo.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Tong đó, Bộ Công Thương được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cần theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/chu-tich-vinafood-1-gia-lua-co-giam-nhung-nong-dan-van-lai-khoang-60-1098522.html