Chủ tịch VTCA: Cải cách thuế với đồ uống có cồn cần hài hòa và sát thực tiễn của Việt Nam

Ngày 18/1, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo 'Thực trạng chính sách thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và xu hướng cải cách'.

 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở Việt Nam hiện hành đang áp dụng phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế TTĐB được tính trên cơ sở giá bán sản phẩm chưa có thuế VAT, chưa có thuế TTĐB chia cho 1+ thuế suất thuế VAT.

Chính sách thuế TTĐB đối với sản phẩm có cồn, tính từ khi có luật thuế TTĐB năm 1990 đến nay đã được thay đổi 12 lần, bao gồm sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn.

Cụ thể, thay đổi về tiêu thức nồng độ cồn; thay đổi về chủng loại sản phẩm rượu hoa quả, rượu thuốc; riêng rượu nội địa có thời kỳ được trừ giá vỏ chai, bao bì đựng rượu không chịu thuế TTĐB; thay đổi về chủng loại sản phẩm bia tươi, bia hơi; bia hộp, bia chai; phân nhóm bia tươi, bia hơi khác nhóm thuế suất thành 1 nhóm thuế suất; bia hộp được trừ vỏ hộp và không được trừ; tất cả các loại bia cùng 1 thuế suất.

 Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Theo Chủ tịch VTCA, quá trình hoàn thiện chính sách thuế TTĐB trong thời gian từ năm 1990 đến nay đã thể hiện rõ tính chất điều tiết, đặc trưng của sắc thuế và mức độ phức tạp của thuế TTĐB nói chung, đồ uống có cồn, rượu bia nói riêng.

“Thuế suất thời điểm cao nhất đối với rượu (trừ rượu dưới 20 độ) và bia các loại là 90%, gấp hai lần thời điểm thấp nhất là 45%. Điều đó, làm rõ quan điểm trong chính sách điều tiết thu ngân sách nhà nước đối với các sản phẩm chịu thuế TTĐB, bao gồm rượu bia, đã tính toán các phương án, đảm bảo hài hòa các yếu tố sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu ngân sách nhà nước, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu rõ.

TS. Nguyễn Minh Thảo, CIEM cho biết, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của CP về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2023 yêu cầu, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để tăng tính thuyết phục và thống nhất khi bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB.

 TS. Nguyễn Minh Thảo, CIEM.

TS. Nguyễn Minh Thảo, CIEM.

Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế TTĐB, xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030… phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ hiện đang áp dụng ở các quốc gia đang phát triển có sự chênh lệch cao về phân khúc giá thị trường. Phương pháp thuế hỗn hợp được áp dụng cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Phương pháp thuế tuyệt đối chủ yếu được áp dụng ở các quốc gia phát triển. Một số nghiên cứu gần đây nghiên cứu tính khả thi và các tác động của chuyển đổi chính sách thuế, trong đó có phương pháp thuế hỗn hợp áp dụng đối với thuế TTĐB.

Theo bà Thảo, cải cách chính sách thuế cần gắn với tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh tự do và an toàn; đảm bảo tính ổn định và nhất quán giữa các chính sách (trong đó có chính sách phát triển ngành).

Cùng với đó, cải cách chính sách thuế nên tham khảo, cập nhật để phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Cân bằng giữa các mục tiêu: điều tiết sản xuất, tiêu dùng, nguồn thu; mục tiêu về y tế, phát triển kinh tế, tạo nguồn thu và các vấn đề xã hội khác,… Nghiên cứu áp dụng đa dạng các phương pháp tính thuế. Việc áp dụng phương pháp thuế hay chuyển đổi phương pháp thuế cần đảm bảo lộ trình phù hợp.

 Chủ tịch PwC Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Chủ tịch PwC Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Chủ tịch VTCA nhấn mạnh, trong tiến trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, cải cách thể chế và quản lý thuế cần thực hiện song hành, hài hòa giữa thực hiện theo thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Chủ tịch PwC Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, khuyến nghị, cần xác định rõ mục tiêu và chiến lược dài hạn của thuế TTĐB đối với từng nhóm hàng để xây dựng mô hình thuế và lộ trình cải cách phù hợp. Có thể áp dụng các mô hình khác nhau cho 3 nhóm đồ uống có cồn do sự đặc thù của từng nhóm Chuyển đổi từ tương đối sang tuyệt đối ngay sẽ phức tạp và gây xáo trộn.

Bên cạnh đó, theo bà Quỳnh Vân nên dịch chuyển dần từ tương đối sang hỗn hợp trước khi tiến đến hệ thống thuế tuyệt đối. Cần xây dựng lộ trình cải cách thuế một cách rõ ràng minh bạch và dịch chuyển dần theo hướng hệ thống thuế mong muốn như tăng dần cấu phần tuyệt đối và giảm dần cấu phần tương đối.

 TS. Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân sách, Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

TS. Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân sách, Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho hay, thuế TTĐB đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước không khuyến khích nhằm điều chỉnh hành vi, thói quen tiêu dùng. Vì vậy phải nghiên cứu các mặt hàng cần thuế đánh theo từng thời kỳ.

Về thuế suất thuế TTĐB, theo ông Tân cần phải nghiên cứu rõ, phân tích ưu nhược điểm để có cơ sở đưa ra mức thuế suất cũng như phương pháp tính thuế hợp lý. Do đó, trong thời gian tới, thay đổi thuế suất thuế TTĐB cần phải có lộ trình phù hợp để vừa góp phần điều tiết ngân sách nhà nước, vừa định hướng tiêu dùng.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chu-tich-vtca-cai-cach-thue-voi-do-uong-co-con-can-hai-hoa-va-sat-thuc-tien-cua-viet-nam-d45600.html