Chủ tịch VUSTA: Xây dựng năng lượng xanh bền vững cần có sự tham gia của đội ngũ khoa học

Để có thể xây dựng và phát triển ngành năng lượng và điện lực Việt Nam theo hướng bền vững, xanh, TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh cần phải có sự tham gia tích cực của đội ngũ khoa học và trí thức trong công tác tư vấn và phản biện...

Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2025 với chủ đề "Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới" ngày 31.3, TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhấn mạnh rằng Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với yêu cầu và khát vọng rất lớn phát triển nhanh, bền vững, toàn diện đưa đất nước tăng trưởng 10% trong những năm tới. Đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải vượt qua nhiều vấn đề, một trong số này là cung cấp đủ năng lượng để kiến tạo cho phát triển kinh tế.

TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng xây dựng ngành năng lượng bền vững cần sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức và nhà khoa học

TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng xây dựng ngành năng lượng bền vững cần sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức và nhà khoa học

Chủ trương, định hướng của Đảng và nhà nước Việt Nam về phát triển năng lượng được thể hiện rõ trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như được thể hiện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) và được thể chế hóa trong các luật như Luật Điện lực, Luật Năng lượng nguyên tử và nhiều luật khác.

Theo định hướng phát triển của Chính phủ, hệ thống điện của Việt Nam sẽ phát triển theo chiều hướng xanh, sạch, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh tuần hoàn, phát thải thấp, phù hợp với các tiêu chuẩn, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam cũng như cam kết tại COP26, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vẫn còn nhiều văn bản và quy định pháp luật cần được sửa đổi và thông qua trong thời gian tới, khi cơ chế chính sách của nhà nước trong cả ngắn, trung và dài hạn đều sẽ tập trung vào phát triển ngành công nghiệp năng lượng.

"Cần tháo gỡ khó khăn rào cản từ các cơ chế chính sách, thủ tục và quy định pháp lý trong đầu tư, phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo. Điều này có ý nghĩa quan trọng với việc hoàn thành mục tiêu đặt ra với ngành năng lượng, cũng như góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung", TS Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Để có thể xây dựng những quy định, khung pháp lý cho ngành năng lượng cho phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời áp dụng kiến thức khoa học và kinh nghiệm quốc tế, Chủ tịch VUSTA nhấn mạnh rằng cần phải lắng nghe ý kiến của những chuyên gia, những cơ quan có chuyên môn cũng như đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Ông Dũng cho rằng những sự kiện như diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng cho các công tác quy hoạch chính sách, hoạt động thực tiễn của chuỗi giá trị công nghiệp năng lượng của Việt Nam, gồm các thị trường, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng chiến lược phát triển năng lượng phục vụ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, TS Phan Xuân Dũng cho biết VUSTA đang tích cực làm tốt vai trò tư vấn, phản biện xã hội, trở thành hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.

Mới đây, ngày 18.3.2025, VUSTA đã cùng Ủy ban Khoa học - Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi.

Đây là một trong những nền tảng luật quan trọng trong bối cảnh Việt Nam tái khởi động các dự án điện hạt nhân. Do đó, việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là một nhu cầu cấp thiết, đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng bộ với hệ thống quy định quốc tế và có tính thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng bền vững của đất nước.

TS Phan Xuân Dũng khẳng định: "Trong thời gian tới, VUSTA sẽ luôn đồng hành để cùng với các tổ chức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp kiến tạo giá trị tích cực trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả ngành năng lượng".

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-tich-vusta-xay-dung-nang-luong-xanh-ben-vung-can-co-su-tham-gia-cua-doi-ngu-khoa-hoc-231037.html